-
Lượt xem: 29
(LSĐT) - Tết Độc lập không chỉ là dịp để con cháu trong họ hàng gần xa được đoàn tụ sum vầy bên mâm cơm ấm cúng mà còn là dịp để mỗi gia đình giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Truyền thống tốt đẹp đó được giữ gìn và phát huy hơn 70 năm qua ở huyện Lạc Sơn. Nét văn hóa đẹp này được người Mường Vó nói riêng và huyện Lạc Sơn nói chung được gìn giữ. Đồng thời, hoạt động vui chơi trong dịp nghỉ Tết Độc lập này đã góp phần củng cố tình đoàn kết, tính cố kết cộng đồng; gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa và hun đúc thêm truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam.
Tết 19/8 không thể thiếu món “Bánh uôi” được làm từ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong gia đình
Ôn truyền thống tốt đẹp của Ngày Tết Độc lập
Theo những vị cao niên ở đây kể lại, phong tục ăn Tết Độc lập 2/9 ở huyện Lạc Sơn xuất phát từ vùng Cộng Hòa (ở huyện Lạc Sơn đến nay vẫn gom các xã thành các vùng: Vùng Huyện, vùng Đại Đồng, vùng Cộng Hòa, vùng Quyết Thắng và vùng Cao. Trong đó, vùng Cộng Hoà gồm các xã Nhân Nghĩa, Miền Đồi, Quý Hòa, Mỹ Thành, Văn Nghĩa, Tuân Đạo, Tân Lập). Cuối năm 1949, thực dân Pháp rút đi, vùng Cộng Hòa của huyện Lạc Sơn được giải phóng. Dịp Quốc khánh 02/9/1950, Hội các Cụ Phụ lão (Mặt trận Tổ quốc ngày nay) cùng với chính quyền cấp xã đã tổ chức các buổi mít ting, những giải đấu thể thao, văn nghệ cũng như mổ trâu chia cho Nhân dân mừng ngày Độc lập. Tại các gia đình Mường Vang, họ có bàn thờ Tổ quốc, trên đó có ảnh Bác Hồ và các lãnh tụ của đất nước. Trước cửa mỗi nhà đều có cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Từ đó trở đi, cứ đến Lễ Quốc khánh (2/9) hàng năm, người dân tại đây đều tổ chức ăn mừng, rồi lan rộng ra toàn huyện Lạc Sơn và trở thành một phong tục truyền thống như ngày nay.
Bên cạnh đó, nguồn gốc Tết Độc lập còn có một tích khác, ở vùng Mường Vó, theo dân gian, “Tết cả năm không bằng Rằm tháng 7”, vì vậy, ăn Rằm tháng 7 Âm lịch đã trở thành một phong tục có sức sống bền bỉ trong văn hóa người Việt nói chung và với đời sống người Mường nói riêng; nhằm cầu mạnh khỏe cho con người, cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu. Đến thời điểm những năm 60 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương “Xây dựng đời sống văn hóa mới”, “Chống mê tín, dị đoan, bài trừ hủ tục lạc hậu” trên phạm vi toàn quốc. vào những năm 1960, sau cải cách ruộng đất Đảng, Nhà nước ra chủ trương xây dựng phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa mới”, “chống mê tín, dị đoan, bài trừ hủ tục lạc hậu” trên phạm vi toàn quốc. Ở giai đoạn này rất nhiều phong tục, tập quán của người Mường đã bãi bỏ, quên lãng và có nhiều mỹ tục được coi như mê tín, dị đoan, các ông Mo không được phép hành nghề, các nghi lễ bị cấm trong đó có tục ăn rằm tháng 7 đã không được thực hiện. Riêng ở vùng Mường Vó, nhân dân trong vùng cũng thực hiện theo chủ trương các phong trào của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, người Mường Vó vẫn âm thầm duy trì tục lệ cúng Rằm tháng 7, nhưng lúc này nội dung của phong tục được bổ sung thêm ý nghĩa đó là ăn mừng Ngày 19/8 - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công, sau dần rút gọn thành “Ăn 19/8”, và tên gọi đó được duy trì cho đến ngày nay. Cũng từ đó tên gọi “Ăn Rằm tháng 7” dần mờ đi, tên gọi là “Ăn 19/8”, chính thức được thay thế.
Soạn cỗ dâng tổ tiên, nhớ ngày Độc lập
Để chuẩn bị cho Tết Độc lập (Tết 19/8), được tươm tất, nhiều nhà chung sẵn một con lợn để dành thịt vào buổi sáng ngày Tết, làm mâm cỗ dâng lên tổ tiên và mời anh em họ hàng, bạn bè. Từ sớm tinh mơ ngày Tết Độc lập, cả gia đình thức dậy thật sớm để chuẩn bị. Đàn ông khỏe mạnh thì thịt lợn, thịt gà. Những người thợ “theo mùa” tay dao, thớt, nhanh nhẹn, khéo léo chế biến các món ăn. Không cầu kỳ như Tết cổ truyền, nhưng ngày này họ cũng chế biến những món ăn ngon nhất để dâng tổ tiên, tiếp đón bạn bè. Còn phụ nữ đảm nhiệm những công việc nhẹ nhàng hơn nhưng đòi hỏi phải cẩn thận, khéo léo như đồ xôi, làm bánh…
Mâm cỗ Ngày Tết 19/8
Trong mâm cỗ dâng tổ tiên ngày Tết 19/8 không thể thiếu món “Bánh uôi”. Đây còn là món quà của chủ nhà dành cho khách đến chơi trong ngày Tết này. Để chuẩn bị cho ngày Tết, mỗi gia đình chuẩn bị hàng chục kg bột để làm “Bánh uôi” mới đủ cho gia đình ăn và dành làm quà tặng khách đến chơi dịp này. Theo người dân nơi đây chia sẻ, để có mẻ “Bánh uôi” ngon, người dân sẽ chọn loại gạo thơm, dẻo, ngon nhất để làm bánh. Khi nhào bột phải cho nước vừa đủ, ngấm đều, bóp bột thật dẻo thì bánh vừa mềm, vừa ngon. “Bánh uôi” ở đây đặc biệt hơn là trên nền bánh trắng tinh vừa gọn trong lòng bàn tay được điểm tô vào những hạt lạc vàng óng vừa thơm, vừa giòn. Ngoài ra, lá bương gói bánh phải là những chiếc lá đẹp nhất. Bánh cho vào hai đầu của lá rồi được nhẹ nhàng cuộn tròn vặn nhẹ ở giữa, hai đầu lá cài vào nhau. Sau khi gói xong, bánh uôi được cho vào chõ để hấp cho chín đều. Sau 45 phút, thấy lá chuyển sang màu đậm cũng là lúc bánh đã chín.
Cận cảnh "Bánh uôi" - Nhắc đến là nhớ về "Ngày Tết 19/8"
Việc thái thịt, sắp mâm cỗ cũng quan trọng không kém. Phải là những người đàn ông lớn tuổi, có hiểu biết nhất định mới được làm. Nhìn qua thì dễ nhưng làm mới thấy cầu kỳ. Ngay từ việc đặt hướng ngọn lá, mang lá cũng phải đúng cách. Các món ăn được chế từ các bộ phận của con lợn cũng phải xếp đúng vị trí, như thế, lúc dọn mâm mới không bị thiếu. Theo quan niệm của người Mường, khi đặt mâm cỗ cúng, nếu thiếu một trong các bộ phận của con lợn coi như tổ tiên chưa nhận đủ lễ, sẽ không may mắn cho gia đình.
Trong ngày Tết 19/8, mỗi gia đình thường chuẩn bị các mâm cỗ cúng dâng lên tổ tiên (Cũng như Tết Nguyên đán, số mâm cỗ tuỳ thuộc vào từng gia đình, nhưng ít nhất họ thờ tới 3 đời). Các cụ cao tuổi nhất trong nhà sẽ đại diện cho cả nhà mời tổ tiên, các vị thần về nhận lễ, chứng giám cho lòng thành của con cháu. Sau đó, con cháu xin phép lùi mâm xuống, tất cả cùng nhau nâng ly chúc mừng ngày Tết 19/8 và chúc nhau may mắn, thành công trong cuộc sống, thắt chặt tình đoàn kết. Đây cũng là dịp để gia đình dạy con cháu, ôn lại truyền thống cách mạng của quê hương đất nước, nhớ công ơn Đảng, Bác Hồ đã đem lại độc lập, tự do cho nhân dân.
Các gia đình chuẩn bị sẵn hàng chục mâm cỗ đến tiếp khách đến ăn Tết
Nhờ những nét đẹp mang ý nghĩa nhân văn đó mà Tết Độc lập tại Mường Vó, Lạc Sơn hiện nay không chỉ là dịp để con cháu trong họ hàng gần xa được đoàn tụ sum vầy, mà vào những ngày này nhiều bạn bè thuộc các xã khác trong huyện và bạn bè của các con cháu đi học, đi làm ở xa và sinh sống ở địa phương khác trong và ngoài tỉnh cũng mời bạn bè về thăm cùng gia đình ăn Tết. Vì vậy, Tết 19/8, mỗi gia đình Mường Vó đều chuẩn bị 5 đến 6 mâm cỗ, nhà nhiều khách thì hàng chục mâm cỗ để tiếp khách khách các nơi đến “Ăn Tết 19/8”.
Trải qua thời gian, nét văn hóa đẹp này được người Mường Vó nói riêng và huyện Lạc Sơn nói chung được gìn giữ. Đồng thời, hoạt động vui chơi trong dịp nghỉ Tết Độc lập này đã góp phần củng cố tình đoàn kết, tính cố kết cộng đồng; gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa và hun đúc thêm truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam./.
Trong ngày này, khi bước chân đến đầu làng chúng ta sẽ cảm thấy không khí tấp nập bởi nhiều đoàn khách trong huyện, tỉnh và ngoài tỉnh cũng về tham gia "Ăn tết"
Bùi Mai
Tin mới
- Chiêm ngưỡng Di tích Quốc gia đặc biệt Mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn - 17/09/2024 09:32
- Tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 - 17/09/2024 07:50
- Thông qua Kế hoạch Tổ chức Lễ hội Ruộng bậc thang Miền đồi năm 2024 - 12/09/2024 02:56
- Chuẩn bị khởi công, xây dựng Công trình cải tạo, nâng cấp sân vận động bước đầu hình thành Quảng trường trung tâm huyện - 30/08/2024 09:13
- Hội thi tuyên truyền cổ động huyện Lạc Sơn năm 2024 - 21/08/2024 16:42
Các tin khác
- Hội nghị kiểm tra về công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung trong xây dựng nông thôn mới để thực hiện quy hoạch tu bổ, tôn tạo di tích - 14/08/2024 09:38
- Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc huyện Lạc Sơn năm 2024, cụm thi vùng Cộng Hoà - 09/08/2024 12:28
- Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc huyện Lạc Sơn năm 2024, cụm thi vùng Quyết Thắng - 08/08/2024 12:24
- Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc huyện Lạc Sơn năm 2024, cụm thi vùng Huyện - 07/08/2024 12:20
- Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc huyện Lạc Sơn năm 2024, cụm thi vùng Đại Đồng - 06/08/2024 12:18
Điện thoại hữu ích
- Trưởng Ban Biên tập: Bùi Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện + Số điện thoại: 02183.861.179
- Phó Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Tiệp - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện
|