-
Lượt xem: 223
Sắp tới, phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sẽ áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5%. Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với phân bón sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có dư địa để tăng công suất, tăng sản lượng và thị phần để cạnh tranh với phân nhập khẩu.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, sáng 10-11
Tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Quốc hội đã đặt ra vấn đề trong thời điểm hiện nay, khi doanh nghiệp và người nông dân đang gặp nhiều khó khăn thì việc đề xuất điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng mặt hàng phân bón từ 0% lên 5% có phù hợp hay không. Đại biểu Cao Văn Trọng (đoàn Bến Tre) cũng đưa ra kiến nghị Thủ tướng Chính phủ rút lại đề xuất điều chỉnh thuế suất mặt hàng phân bón này.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trước ngày 1-1-2015, theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tháo gỡ khó khăn cho nông dân, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh phân bón từ đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng là 5% về đối tượng không chịu thuế suất giá trị gia tăng và các hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư sản xuất phân bón thì được khấu trừ hoặc khoản thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không nhất trí cho phép khấu trừ hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào với lý do là không phù hợp với nguyên tắc của thuế giá trị gia tăng. Do vậy, Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, quy định là phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
“Trên thực tế, việc quy định không chịu thuế giá trị gia tăng của phân bón gây bất lợi cho sản xuất phân bón trong nước do hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào không được khấu trừ và phải tính vào chi phí sản xuất và được tính vào giá thành sản xuất của phân bón cũng như giá bán, trong khi phân bón nhập khẩu không chịu thuế giá trị gia tăng” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói. Chính vì vậy, theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội sản xuất phân bón đã kiến nghị nhiều lần từ năm 2015 đến nay, kể từ khi Luật số 71 có hiệu lực, là đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Theo Bộ trưởng, nay nếu chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5%, trong khi số thuế giá trị gia tăng đầu vào hằng năm của phân bón khoảng 1.200 tỷ đồng một năm thì doanh nghiệp sẽ được khấu trừ và không phải tính vào chi phí sản xuất, cũng như giá thành sản phẩm của phân bón. Chính phủ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước giảm giá bán tương ứng với giá thành để người nông dân không bị ảnh hưởng bởi điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng này. Phân bón sản xuất trong nước sẽ có thêm điều kiện để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu và phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế giá trị gia tăng là 5%. Từ đó, phân bón sản xuất trong nước có thêm cơ hội để hạ giá bán so với phân bón nhập khẩu theo cơ chế thị trường.
Bộ trưởng Tài chính thông tin, theo Hiệp hội phân bón, hiện nay phân bón sản xuất trong nước đang chiếm thị phần khoảng 70%, còn lại 30% là nhập khẩu. Thống kê của Hiệp hội phân bón năm 2019, 2020, phân super lân năm 2019 cũng như ước đạt năm 2020, mới đạt 34% công suất. Phân lân nung chảy mới đạt 37%, phân đạm urê mới đạt 83% của năng lực nhà máy sản xuất trong nước. Phân DAP 69% và phân NPK là 60%. “Việc điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với phân bón sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có dư địa để tăng công suất, tăng sản lượng và thị phần để cạnh tranh với phân nhập khẩu” – Bộ trưởng nói.
Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để sản xuất trong nước bằng chính sách thuế, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước cần phải tăng cường quản trị, rà soát, tiết giảm tối đa chi phí. Từ đó, giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cũng như cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu.
Từ những lý giải trên, Bộ trưởng Tài chính cho biết, Bộ báo cáo và Chính phủ dự thảo nghị quyết và báo cáo với Quốc hội về chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5% và đã nhận được ý kiến nhất trí của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội sản xuất phân bón cũng như Hội nông dân Việt Nam, là những cơ quan, tổ chức trực tiếp liên quan đến ngành sản xuất phân bón nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Theo: Nhandancom.vn
Tin mới
- Bão Vamco tăng cấp tiến gần Biển Đông - 11/11/2020 01:29
- Lũ chồng lũ, bão chồng bão ở miền trung gây thiệt hại hơn 2,8 nghìn tỷ đồng - 11/11/2020 01:12
- Kết quả của phiên chất vấn - cầu nối giữa hai khóa Quốc hội - 11/11/2020 01:09
- Sáng 11/11, không ca mắc mới COVID-19 - 11/11/2020 01:04
- Bão số 12 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới - 10/11/2020 07:35
Các tin khác
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình về hiện tượng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn - 10/11/2020 07:30
- Gấp rút ứng phó hoàn lưu mưa sau bão số 12, chuẩn bị phòng chống bão số 13 - 10/11/2020 07:24
- Sẽ công khai kết quả vụ việc ở trường Tôn Đức Thắng - 10/11/2020 07:21
- Ai chịu trách nhiệm tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ? - 10/11/2020 07:19
- Đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu cấp điện cho các hộ dân miền núi, biên giới, hải đảo - 10/11/2020 07:12
Điện thoại hữu ích
- Trưởng Ban Biên tập: Bùi Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện + Số điện thoại: 02183.861.179
- Phó Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Tiệp - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện
|