-
Lượt xem: 174
Liên quan đến vấn đề của trường Đại học Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sau khi đoàn công tác làm việc, báo cáo kết quả thì sẽ họp lại và công bố kết quả giải quyết vụ việc cho toàn dân biết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Ảnh: QH)
Chiều 9/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Đầu giờ chiều, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (tỉnh Phú Yên), đại biểu Dương Minh Ánh (TP. Hà Nội) về vấn đề tự chủ đại học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, chúng ta đã thực hiện tự chủ đại học nhưng mới được một số bước, vừa qua đã có kết quả rất tốt nhưng còn phải thực hiện tiếp tục.
Phó Thủ tướng cho biết, đối với tự chủ đại học có 5 điểm mang tính nguyên tắc trên toàn thế giới và một điểm cũng có tính nguyên tắc cho Việt Nam và một số nước có hoàn cảnh tương tự, chúng ta phải quán triệt, hiểu thông suốt và phải luật hóa, thực hiện trong chỉ đạo, điều hành.
Thứ nhất, đại học không chỉ là nơi làm ra tri thức mà là nơi làm việc, sinh hoạt của trí thức có mặt bằng nhận thức xã hội cao hơn mức bình thường. Cả thế giới coi đại học phải xây dựng mô hình quản trị tiên tiến, từ đó lan tỏa ra toàn xã hội, đảm bảo tính dân chủ, tính sáng tạo, tính khoa học.
Thứ hai, đã tự chủ luôn gắn với trách nhiệm giải trình. Mọi hoạt động của cơ sở giáo dục đại học phải được thực hiện theo pháp luật, theo những quy chế công khai cho toàn xã hội giám sát rất chi tiết.
Thứ ba, tự chủ đại học không có nghĩa là nhà nước không đầu tư tiền nữa. Ở tất cả các nước, các trường đại học tự chủ nhà nước vẫn phải tiếp tục đầu tư không chỉ đặt hàng đào tạo, cấp học bổng mà còn xây dựng cơ sở vật chất.
Thứ tư, tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý mà phải quản lý theo pháp luật, không chỉ riêng về lĩnh vực giáo dục.
Thứ năm, thực hiện tự chủ nhưng phải có cơ chế để đảm bảo các đối tượng như người nghèo, khuyết tật, hay một số đối tượng đặc thù không bị giảm bớt cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, nhất là đại học chất lượng cao. Việc này Việt Nam chú trọng hơn các nước.
Thứ sáu, đối với những nước có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam thì có vấn đề mang tính nguyên tắc. Đó là khái niệm chủ sở hữu của đại học cũng thay đổi vì đóng góp vào trường đại học không chỉ là tiền, cơ sở vật chất mà còn là trí tuệ, đóng góp học phí của người dân và vì thế về lâu dài khái niệm chủ sở hữu trường đại học không đơn thuần của một cơ quan, tổ chức nào mà của toàn xã hội.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Minh Ánh về có nên bỏ cơ quan chủ quản trường đại học không. Phó Thủ tướng cho biết thực ra trong luật pháp của nước ta không có khái niệm cơ quan chủ quản mà chỉ còn khái niệm cơ quan quản lý và cơ quan chủ sở hữu. Hiện nay cơ quan quản lý chủ yếu sẽ quản lý về công tác cán bộ, và theo các quy định của Đảng.
Theo Phó Thủ tướng, việc thực hiện tự chủ đại học vẫn còn những vướng mắc cần sửa đổi.
Trước mắt có hai việc, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là rất quan trọng, để thực hiện tự chủ đại học đúng hướng và đúng quy luật. Tất cả các trường đại học phải kiện toàn, thành lập mới hội đồng trường với tư cách là cơ quan thực quyền chứ không phải có tính hình thức. Tất cả các trường đại học đều phải xây dựng quy chế điều hành, tổ chức, hoạt động nội bộ, tài chính nội bộ tỉ mỉ, chi tiết theo quy định của pháp luật, công khai cho toàn dân biết và giám sát.
“Đây là một quá trình. Trong quá trình chuyển đổi, có nhiều điểm chưa được quy định rõ, hay chưa có tiền lệ thì khi xử lý chúng ta hết sức bình tĩnh và xu hướng phải ủng hộ”, Phó Thủ tướng nói.
Liên quan đến vấn đề của trường Đại học Tôn Đức Thắng, trong phần cuối câu trả lời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Trong phát biểu của tôi hôm trước đã rất cụ thể. Đây là việc không chỉ đơn giản liên quan đến 1 câu, 1 chữ, 1 từ, 1 điều, mà là quyết định có ý kiến khác nhau. Chúng tôi đã trao đổi với Bộ Tư pháp nhiều lần. Khi chưa rõ ràng thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn hết sức trách nhiệm, không hề lơ là nhưng phải rất cẩn trọng, đúng quy định”. Đồng thời cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lập một đoàn công tác với sự tham gia của Bộ Tư pháp vào Trường đại học Tôn Đức Thắng để xem xét, phân tích, báo cáo.
"Chắc chắn, sau báo cáo này, chúng tôi họp lại, có cả Bộ Tư pháp và sau đó sẽ công khai, minh bạch cho toàn dân biết. Tinh thần là Chính phủ sẽ rất công minh, ủng hộ tự chủ, tạo điều kiện ủng hộ cho trường phát triển", Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.
Theo: Dangcongsan.vn
Tin mới
- Sáng 11/11, không ca mắc mới COVID-19 - 11/11/2020 01:04
- Bão số 12 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới - 10/11/2020 07:35
- Trình Quốc hội xem xét áp lại thuế giá trị gia tăng 5% với mặt hàng phân bón - 10/11/2020 07:33
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình về hiện tượng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn - 10/11/2020 07:30
- Gấp rút ứng phó hoàn lưu mưa sau bão số 12, chuẩn bị phòng chống bão số 13 - 10/11/2020 07:24
Các tin khác
- Ai chịu trách nhiệm tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ? - 10/11/2020 07:19
- Đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu cấp điện cho các hộ dân miền núi, biên giới, hải đảo - 10/11/2020 07:12
- Tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý chủ đầu tư nhà chung cư cố tình vi phạm - 10/11/2020 07:09
- Phú Yên di dời, sơ tán gần 10 nghìn người ra khỏi vùng nguy hiểm bão số 12 - 10/11/2020 06:59
- Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn - 09/11/2020 03:36
Điện thoại hữu ích
- Trưởng Ban Biên tập: Bùi Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện + Số điện thoại: 02183.861.179
- Phó Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Tiệp - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện
|