-
Lượt xem: 175
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về xử lý sai phạm liên quan đến quản lý nhà chung cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, quan điểm của Bộ là ủng hộ việc các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra và chuyển cơ quan điều tra để xem xét xử lý các chủ đầu tư cố tình vi phạm quy định về quản lý và sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Quang Khánh)
Sáng 10/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Bảo đảm không oan sai, không bỏ lọt tội phạm
Đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) liên quan đến việc sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong.
Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, đây là một vụ việc mà trước đây Phó Thủ tướng đã có ý kiến phát biểu trước Quốc hội, trách nhiệm trước hết là thuộc về các cơ quan tư pháp thực hiện theo các quy định của pháp luật.
Ngày 14/8/2019, Bộ Công an có văn bản số 465 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về việc điều tra, xử lý việc sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong, nội dung chính là nêu do các bộ liên quan chưa có văn bản trả lời yêu cầu giám định nên việc xử lý phải chờ theo quy định của pháp luật. Sau đó, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực đã chỉ đạo Bộ Công an chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc các ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, khẩn trương có văn bản gửi cơ quan Cảnh sát điều tra về kết luận giám định các vấn đề có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực đã có nhiều cuộc họp với các cơ quan có trách nhiệm liên quan, theo đó, đã chỉ đạo các cơ quan đánh giá kết quả sản xuất của Công ty Thuận Phong, có phải là hàng giả hay không, đây là quá trình chưa chuyển sang giai đoạn tố tụng mà xem xét hành chính, với trách nhiệm của mình, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành đánh giá, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điểu tra. Sau đó, đã chuyển cơ quan điều tra để thực hiện theo quy định của pháp luật, trong đó có việc yêu cầu giám định. Ngày 20/11/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành văn bản 3721 kèm theo kết quả giám định, ngày 3/4/2020, theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ giám định bổ sung, sau đó Bộ đã ban hành văn bản 3310 kèm theo kết quả giám định bổ sung.
Ủng hộ việc chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý chủ đầu tư nhà chung cư cố tình vi phạm
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) về xử lý sai phạm liên quan đến quản lý nhà chung cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, theo số liệu đến hết năm 2009, cả nước có khoảng 4.422 nhà chung cư, trong số đó hơn 90% là số lượng nhà chung cư được quản lý vận hành an toàn, ổn định và có khoảng gần 10% có tranh chấp, có vấn đề tồn tại. Biểu hiện ở ba vấn đề chính đó là chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư; chậm thành lập ban quản trị; đóng góp, bàn giao quản lý và sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư; sở hữu chung, sở hữu riêng. Ngoài ra, còn một số tranh chấp như thu chi tài chính, quy chế hoạt động của ban quản trị, giá dịch vụ, đơn vị vận hành, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, chất lượng công trình…
Nguyên nhân của những hạn chế này, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Một số quy định pháp lý về quản lý và sử dụng nhà chung cư chưa thật đầy đủ, rõ ràng như cách tính diện tích căn hộ, diện tích lô gia (nếu có), hộp kỹ thuật… Một số chủ đầu tư cũng chưa đủ năng lực để thực hiện dự án, chưa quan tâm tới nghĩa vụ sau bán hàng, không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định. Một số hợp đồng mua bán căn hộ chung cư chưa tuân thủ đầy đủ các quy định và thường có một số khoản chưa rõ ràng, thiên về bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư.
Còn tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước về chung cư. Một số chủ đầu tư, ban quản trị, quản lý vận hành nhà chung cư chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình theo quy định. Việc này đã gây ra bức xúc trong dư luận và truyền thông. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức một phiên giải trình về lĩnh vực này và sau đó thì chúng ta đã thực hiện một số các giải pháp. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29 về tăng cường quản lý nhà nước về nhà chung cư. Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 06 sửa đổi các thông tư trước đó về quản lý nhà chung cư, ban hành quy chuẩn về nhà chung cư, bổ sung chế tài xử phạt hành chính đối với quản lý chung cư.
Đại biểu Quốc hội chất vấn tại Hội trường Quốc hội sáng 11/10. (Ảnh: ĐT)
Thực tế, thời gian qua, các địa phương đã có nhiều cố gắng để tăng cường công tác quản lý nhà chung cư. Hà Nội cũng đã chuyển một số các vụ vi phạm về quản lý quỹ bảo trì nhà chung cư cho các cơ quan điều tra để xem xét, xử lý. Chúng tôi thấy rằng, cho đến giờ phút này, sau hàng loạt các giải pháp như vậy, với sự cố gắng của các địa phương thì tình hình tranh chấp về nhà chung cư đã giảm hẳn, mặc dù cũng còn nhưng không còn các điểm nóng gây bức xúc nữa.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, sẽ tiếp tục sửa đổi Nghị định 99 về hướng dẫn để bổ sung, sửa đổi các quy định về nhà chung cư, nhất là về kinh phí bảo trì nhà chung cư rõ hơn về mức thu, phương thức thu, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư mới, mô hình ban quản trị nhà chung cư.
Riêng với tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì, hiện nay có khoảng 5 dạng tranh chấp trong lĩnh vực này. “Chúng tôi đã tham mưu và Chính phủ có Nghị định 179, Nghị định 20 quy định những mức xử lý hành chính trong vi phạm về việc này. Quan điểm của chúng tôi là rất ủng hộ việc các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra và chuyển cơ quan điều tra để xem xét xử lý các chủ đầu tư cố tình vi phạm quy định về quản lý và sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
Năm 2025 có ít nhất 300 km đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long là hoàn toàn khả thi
Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau), đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) về giải pháp đột phá hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, qua các tính toán, kế hoạch thì mục tiêu đến năm 2025 đồng bằng Sông Cửu Long có ít nhất 300 km đường cao tốc là hoàn toàn khả thi, đã bố trí đủ vốn thực hiện. Chính phủ đặt mục tiêu thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào 2025. Ngoài các tuyến cao tốc, Bộ Giao thông vận tải đang tập trung vào 4 trục giao thông dọc, 4 trục ngang, tạo nên mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trả lời chất vấn của đại biểu Rơ Chăm Long (Kon Tum) về dự án đầu tư tuyến cao tốc Gia Lai-Kon Tum-Bình Định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong điều kiện ngân sách khó khăn, giao thông trong vùng còn khó khăn nên cần nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối Tây Nguyên với vùng ven biển với 3 dự án Quốc lộ 19, 24, 25, khi có điều kiện chúng ta sẽ làm cao tốc.
2 ưu tiên của ngành nông nghiệp là an ninh nguồn nước và nơi tránh trú bão
Trả lời chất vấn của các đại biểu về giải pháp đầu tư hạ tầng cho ngành thủy sản, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là vấn đề hết sức quan trọng, hết sức có ý nghĩa với ngư dân, góp phần nâng cao chất lượng thủy hải sản, cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho người dân và tránh trú khi có bão, thiên tai. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, hạ tầng thủy sản hiện nay còn yếu và chưa đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, giống như nhu cầu hạ tầng của nhiều ngành khác rất lớn nhưng chưa có nguồn lực để đầu tư, nguyên nhân là do chúng ta phải thực hiện rất nhiều nghĩa vụ, các cảng cá chưa có đủ kinh phí để làm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về giải pháp sắp tới, theo nguyên tắc, định mức phân bổ vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự kiến 170 dự án với số vốn 4.370 tỷ đồng. Với các cảng cá thì các địa phương tham gia phần vốn của mình để xây dựng, còn các nơi tránh trú bão mang tính liên vùng, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó xác định hai ưu tiên sắp tới của ngành nông nghiệp là vấn đề an ninh nguồn nước và các nơi tránh trú bão.
Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội./.
Theo: Dangcongsan.vn
Tin mới
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình về hiện tượng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn - 10/11/2020 07:30
- Gấp rút ứng phó hoàn lưu mưa sau bão số 12, chuẩn bị phòng chống bão số 13 - 10/11/2020 07:24
- Sẽ công khai kết quả vụ việc ở trường Tôn Đức Thắng - 10/11/2020 07:21
- Ai chịu trách nhiệm tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ? - 10/11/2020 07:19
- Đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu cấp điện cho các hộ dân miền núi, biên giới, hải đảo - 10/11/2020 07:12
Các tin khác
- Phú Yên di dời, sơ tán gần 10 nghìn người ra khỏi vùng nguy hiểm bão số 12 - 10/11/2020 06:59
- Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn - 09/11/2020 03:36
- Vùng biển Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có gió giật cấp 11 từ đêm 9-11 - 09/11/2020 03:34
- 68 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng - 09/11/2020 03:32
- Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cán bộ - 09/11/2020 03:23
Điện thoại hữu ích
- Trưởng Ban Biên tập: Bùi Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện + Số điện thoại: 02183.861.179
- Phó Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Tiệp - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện
|