-
Lượt xem: 213
Bên cạnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đã vượt ngưỡng 25 triệu người, thế giới tuần qua chứng kiến nhiều sự kiện đáng chú ý như: Hội nghị Cấp cao Mekong - Lan Thương lần thứ ba; Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ chức vì lý do sức khỏe; Quân đội Belarus trong tình trạng sẵn sàng cao; Liên tiếp các vụ xả súng ở Philippines,…
Số người mắc COVID-19 trên toàn thế giới vượt ngưỡng 25 triệu (Ảnh: ncov.moh.gov.vn)
Số người mắc COVID-19 trên toàn thế giới vượt ngưỡng 25 triệu
Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng 30/8, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 25.128.590, trong đó 845.417 người đã tử vong. Chỉ trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 228.995 ca nhiễm mới, và thêm 4.740 ca tử vong. Số ca mắc bệnh tại Mỹ - ổ dịch lớn nhất thế giới đã lên đến 6.134.991 ca sau khi nước này có thêm 38.756 ca mắc mới trong ngày hôm qua. Cường quốc hàng đầu thế giới đã ghi nhận 186.781 ca tử vong, 3.399.591 ca bình phục.
Số ca mắc COVID-19 tại châu Á đã lên tới 6.887.952 sau khi có thêm 102.785 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Khu vực này đã ghi nhận tổng số 139.616 ca tử vong. Châu Âu hiện ghi nhận 3.532.958 ca mắc COVID-19, trong đó có 207.196 ca tử vong. Số ca mắc COVID-19 tại Bắc Mỹ đã tăng lên 7.258.586 ca sau khi khu vực này ghi nhận thêm 47.978 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Nam Mỹ ghi nhận 6.178.866 ca nhiễm sau khi có thêm 47.158 ca nhiễm mới trong ngày qua, trong đó có 199.543 ca đã tử vong. Châu Phi ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày hôm qua là 7.882, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 1.241.247, trong đó 29.455 ca đã tử vong. Châu Đại Dương có thêm 112 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 ở khu vực này lên 28.260 ca, trong đó có 629 ca tử vong.
Ngày 27/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh cần làm xét nghiệm y tế cho những người tiếp xúc với các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cho dù họ có triệu chứng hay không. Khuyến cáo này được WHO đưa ra sau khi giới chức y tế Mỹ nói rằng việc làm này là không cần thiết. Khi được hỏi về sự thay đổi lập trường này, chuyên gia dịch tễ học Maria Van Kerkhove của WHO không đề cập cụ thể tới tình hình tại Mỹ, song nói với báo giới rằng khuyến cáo của WHO là "những người có tiếp xúc, nếu có thể, nên được làm xét nghiệm, bất kể có triệu chứng hay không". Bà Kerkhove chỉ rõ có những người có triệu chứng mắc COVID-19 sẽ lây truyền virus và cả những người không xuất hiện triệu chứng cũng có thể lây truyền virus.
Hội nghị Cấp cao Mekong - Lan Thương lần thứ ba
Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng chung”, Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ ba đã diễn ra vào ngày 24/8 theo hình thức trực tuyến.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith thực hiện nghi thức chuyển giao quyền tổ chức Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ tư cho Myanmar. Ảnh: TTXVN
Tại hội nghị, lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc ghi nhận những bước tiến quan trọng đạt được kể từ Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương lần hai đến nay, nhấn mạnh một số kết quả nổi bật như: Tiến triển trong hợp tác quản lý nguồn nước sông Mekong; hơn 300 dự án hỗ trợ kỹ thuật đã được triển khai; Trung tâm Nghiên cứu Mekong và các trung tâm hợp tác chuyên ngành được thành lập, đi vào hoạt động ổn định.
Về định hướng hợp tác thời gian tới, các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm cùng xây dựng khu vực Mekong-Lan Thương hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, thịnh vượng và nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên ba trụ cột hợp tác, cụ thể:
Về an ninh - chính trị, duy trì trao đổi cấp cao, tăng cường đối thoại giữa các đảng chính trị, quốc hội, chính phủ và địa phương, đẩy mạnh hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, hợp tác về y tế cộng đồng ứng phó đại dịch Covid-19 và phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Về kinh tế và phát triển bền vững, thúc đẩy kết nối khu vực cả về hạ tầng cứng và mềm; tạo thuận lợi cho thương mại đầu tư, hợp tác công - tư; đẩy mạnh hợp tác phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, hợp tác năng lực sản xuất, phát triển kinh tế số và khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.
Về văn hoá - xã hội và giao lưu nhân dân, triển khai các hoạt động hợp tác giáo dục, các chương trình đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; xúc tiến hợp tác du lịch và giao lưu văn hóa.
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ chức vì lý do sức khỏe
Tại cuộc họp báo lúc 15 giờ ngày 28/8 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (65 tuổi) đã chính thức tuyên bố từ chức, kết thúc nhiệm kỳ kéo dài 8 năm – khoảng thời gian cầm quyền liên tục lâu nhất của một Thủ tướng trong lịch sử nước này. Tuy nhiên, ông Abe quyết định không chọn Thủ tướng lâm thời mà sẽ tiếp tục điều hành Chính phủ cho đến khi chọn được người kế nhiệm.
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo chính thức tuyên bố từ chức. (Ảnh: EPA/Bloomberg)
Truyền thông Nhật Bản cho biết, ông Abe thực sự đang phải điều trị bệnh viêm loét đại tràng - căn bệnh không thể chữa khỏi - đây cũng là nguyên nhân khiến ông đột ngột từ chức Thủ tướng vào năm 2007, kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên chỉ sau hơn 1 năm tại vị. Trước đó, hôm 17/8, ông Abe đến Bệnh viện Đại học Keio ở Tokyo mà không báo trước và ở lại hơn 7 tiếng rưỡi để kiểm tra y tế. Đây là lần thứ 2 ông đến bệnh viện chỉ trong vòng 1 tuần.
Việc Thủ tướng Abe xin từ chức sẽ khởi động cho cuộc đua tìm Chủ tịch mới cho đảng Tự do Dân chủ (LDP), người gần như đương nhiên sẽ được Quốc hội bầu làm Thủ tướng sau đó, mặc dù Chính phủ nước này đang trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp cũng như giải quyết các tác động của đại dịch đang khiến nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái.
Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới bày tỏ sự tiếc nuối trước quyết định từ chức của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vì lý do sức khỏe. Trong khi đó, dư luận trong nước cũng quan tâm đến việc ai có thể thay thế nhà lãnh đạo này trong tương lai.
Quân đội Belarus trong tình trạng sẵn sàng cao
Ngày 28/8, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã chỉ thị một nửa quân đội của nước này đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu để đối phó với điều mà ông gọi là các mối đe dọa từ phương Tây.
Binh sỹ Belarus tham gia một buổi lễ ở ngoại ô thủ đô Minsk (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hãng thông tấn nhà nước Belta dẫn lời Tổng thống Lukashenko cho biết ông đã nhất trí với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc quân đội hai nước có thể phối hợp hành động cùng đối phó với nguy cơ đe dọa từ bên ngoài.
Tình hình Belarus bất ổn kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8 vừa qua. Theo kết quả chính thức do Ủy ban Bầu cử trung ương Belarus công bố, Tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovkskaya chỉ được 10,12%. Bà Tikhanovkskaya không công nhận kết quả này. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại các thành phố và xảy ra xô xát với cảnh sát. Hơn 6.700 người đã bị bắt giữ và hàng trăm người bị thương, trong đó có hơn 120 nhân viên thực thi pháp luật. Tổng thống Lukashenko đã đề cập tới kịch bản "cách mạng màu" có sự can thiệp của yếu tố bên ngoài đang được sử dụng để chống lại đất nước Belarus, đồng thời cũng lên án việc phương Tây ủng hộ phe đối lập Belarus trên phương diện quân sự, với bằng chứng là việc điều động quân đội các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến biên giới Belarus. Ông coi sự ủng hộ của các nước phương Tây đối với phe đối lập là sự can thiệp trực tiếp vào tình hình ở Belarus.
Trước đó, ngày 27/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi chính quyền Belarus và phe đối lập cùng nhau tìm một giải pháp cho khủng hoảng chính trị hiện nay. Ông cho biết Điện Kremlin đã thành lập một lực lượng cảnh sát dự phòng để hỗ trợ Tổng thống Belarus Lukashenko, nhưng sẽ không sử dụng lực lượng này, trừ khi tình hình bạo loạn vượt ngoài tầm kiểm soát.
Trong khi đó, Chủ tịch Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Thủ tướng Albania Edi Rama cho rằng tình trạng bạo lực sau cuộc bầu cử tại Belarus rất đáng quan ngại, đồng thời kêu gọi Belarus chấp thuận đề xuất của tổ chức này hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay thông qua đối thoại.
Liên tiếp các vụ xả súng ở Philippines
Ít nhất 8 người đã thiệt mạng trong vụ một vụ xả súng ở tỉnh Cotabato, miền Nam Philippines vào trưa 29/8. Theo cảnh sát và giới chức địa phương, cả 8 nạn nhân đều là nam giới trong một đoàn xe mô tô hộ tống. Thời điểm xảy ra vụ tấn công, đoàn xe đang di chuyển dọc trên một con đường ở thị trấn Kabacan. Cơ quan chức năng Philippines đã mở cuộc điều tra để xác định động cơ gây án và xác định danh tính nạn nhân.
Quân đội có mặt tại hiện trường vụ đánh bom kép trên đảo Jolo, Philippines ngày 24/8 (Ảnh: AFP)
Trước đó, các quan chức quân đội Philippines ngày 24/8 cho biết ít nhất 10 người chết và hàng chục người bị thương, bao gồm binh sĩ, cảnh sát và thường dân, trong một vụ đánh bom kép liên quan đến một kẻ ôm bom tự sát tại đảo Jolo phía nam đất nước này. 16 binh sĩ và 20 thường dân khác cũng bị thương trong vụ nổ xảy ra trưa 24/8 này. Vụ nổ thứ hai xảy ra không lâu sau vụ nổ đầu tiên và trên cùng một con phố. Một người phụ nữ đã kích nổ bom trên người khi cảnh sát bao vây khu vực, giết chết 1 người và làm 6 sĩ quan cảnh sát bị thương.
Được tin về vụ đánh bom khủng bố khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương xảy ra vào ngày 24/8/2020 tại đảo Jolo, Sulu, Philippines, theo đề xuất của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN, vào ngày 29/8/2020, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra tuyên bố về vụ việc này.
Tuyên bố nêu rõ: Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lên án mạnh mẽ vụ đánh bom khủng bố ngày 24/8 tại đảo Jolo, Sulu, Philippines, làm nhiều người thiệt mạng và bị thương. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN gửi lời chia buồn sâu sắc đến chính phủ và nhân dân Philippines, đặc biệt gia đình của các nạn nhân và mong những người bị thương nhanh chóng hồi phục. Trong thời điểm khó khăn này, ASEAN khẳng định tình đoàn kết với chính phủ và nhân dân Philippines, ủng hộ những nỗ lực của chính phủ Philippines trong giải quyết vụ việc, sớm truy bắt và đưa ra xét xử thủ phạm của các vụ khủng bố này. ASEAN cũng tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trong đấu tranh chống khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện./.
Theo: Dangcongsan.vn
Tin mới
- Số lượng người mắc COVID-19 trên thế giới không ngừng tăng - 02/09/2020 00:51
- Ngày thứ 4 không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng - 02/09/2020 00:49
- Ca bệnh Covid-19 thứ 33 tử vong - 31/08/2020 07:49
- Đồng chí Bùi Văn Lịnh, Phó Bí thư Huyện ủy được bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện - 31/08/2020 02:08
- Đông Bắc Bộ, Trung Bộ nắng nóng, chỉ số tia UV gây hại rất cao - 31/08/2020 01:21
Các tin khác
- Hơn 850.000 người trên thế giới tử vong vì COVID-19 - 31/08/2020 01:14
- Sáng 31/8, đã 36 giờ không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 - 31/08/2020 01:12
- Kỳ họp Chuyên đề HĐND huyện khóa XIX thành công tốt đẹp - 31/08/2020 01:00
- Hiệp định RCEP có thể ký vào cuối năm 2020 - 28/08/2020 02:51
- Kiểm điểm nhiều bệnh viện không đạt yêu cầu an toàn phòng, chống dịch - 28/08/2020 02:35
Điện thoại hữu ích
- Trưởng Ban Biên tập: Bùi Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện + Số điện thoại: 02183.861.179
- Phó Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Tiệp - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện
|