-
Lượt xem: 1972
Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sáng 4-9, lũ trên sông Ngàn Sâu tại Trạm Chu Lễ đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện còn 27 xã bị ngập lụt.
Hiện nay, lũ trên sông Ngàn Sâu tại Trạm Chu Lễ đã đạt đỉnh và đang xuống chậm, đỉnh lũ đo được tại trạm là 13,22m (dưới BĐ3 0,28m) xuất hiện lúc 1 giờ ngày 4-9; tại trạm Hòa Duyệt nước đang lên chậm; trạm Hương Trạch đang xuống; đỉnh lũ đo được tại trạm Hương Trạch lúc 8 giờ ngày 3-9 là 22,04m.
Lũ trên sông Ngàn Phố đã đạt đỉnh và đang xuống chậm; tại trạm Sơn Diệm đỉnh lũ đo được là 11,05m (dưới BĐ2 0,45m) lúc 16 giờ ngày 3-9.
Đến thời điểm 10 giờ ngày 4-9, trên địa bàn huyện Hương Khê có 18 xã bị ngập cục bộ, trong đó có sáu xã bị cô lập (Hương Đô, Lộc Yên, Hương Thủy, Hương Giang, Phương Điền, Phương Mỹ); Hương Sơn có sáu xã bị ngập (Sơn Thủy, Sơn Mai, Sơn Phúc, Sơn Tiến, Sơn Phú, Sơn Bình); Vũ Quang hai xã bị ngập (Đức Giang, Đức Bồng); Can Lộc có một xã bị ngập (Song Lộc).
Người dân xã Hương Thủy tiếp tế thực phẩm cho các hộ dân bị ngập trong xã. (Ảnh: NGÔ TUẤN)
Do ảnh hưởng của mưa lớn trong thời gian qua, đến 7 giờ sáng nay, có 1.991 ha lúa bị ngập úng (Hương Sơn: 152 ha; Vũ Quang: 25 ha; Can Lộc: 684 ha; Cẩm Xuyên: 133 ha; Hương Khê: 900 ha, Thạch Hà: 97 ha); 269,5 ha hoa màu bị ngập úng (Hương Sơn 21 ha, Vũ Quang 1,5 ha, Hương Khê 175 ha, Thạch Hà 72 ha). Ngoài ra, còn có 1.330 ha bưởi trên địa bàn huyện Hương Khê đã đến thời gian thu hoạch bị ảnh hưởng.
Liên quan chín người dân tộc Chứt (bản Rào Tre, xã Hương Liên, Hương Khê) vào rừng lấy lá nón từ ngày 2-9, đến chiều qua một người dân đã về là anh Hồ Văn Cương. Số còn lại đang trú ẩn an toàn trại các lán trại trên núi.
* Ngoài ra, theo thông báo của Văn phòng thường trực PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An,để bảo đảm an toàn hồ chứa, từ 22 giờ ngày 3-9, Nhà máy thủy điện Khe Bố, ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương và Nhà máy thủy điện Chi Khê, ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông đều tiến hành xả lũ hồ chứa, với lưu lượng xả từ 600 m3/s đến 1.800 m3/s. Kết thúc xả lũ được xác định đến khi hết ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây ra.
Nhà máy thủy điện Khe Bố xả lũ (Ảnh: THÀNH CHÂU).
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nước về hồ Bản Vẽ tiếp tục gia tăng và mực nước hồ thủy điện Khe Bố ở cao trình 64,5m, để bảo đảm công tác vận hành của Nhà máy thủy điện Khe Bố được an toàn theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, Công ty CP Thủy điện phát triển Điện lực Việt Nam đã có thông báo về việc vận hành điều tiết nước hồ chứa thủy điện Khe Bố, với tổng lưu lượng xả từ 700m3/s đến 1.500m3/s và có thể tăng thêm tùy thuộc vào lưu lượng nước lũ về hồ.
Cùng thời gian này, Công ty CP thủy điện Chi Khê có thông báo về việc vận hành điều tiết nước hồ chứa thủy điện Chi Khê với tổng lưu lượng xả từ 600m3/s đến 1.800m3/s (bao gồm lưu lượng xả qua cửa van và lưu lượng phát điện qua các tổ máy) và có thể tăng thêm tùy thuộc lưu lượng nước về hồ,.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nghệ An cũng thông báo đến UBND các huyện: Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên và TP Vinh cùng các Sở, ban, ngành được biết để thông báo cho chính quyền các cấp, các cơ quan đơn vị, chủ đầu tư đang thi công ở ven sông, trên sông, các chủ phương tiện vận tải thủy và toàn thể nhân dân trên địa bàn thuộc vùng hạ du Nhà máy thủy điện Khe Bố, Chi Khê biết để triển khai các công việc cần thiết, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân và Nhà nước.
* Mưa lũ tại Quảng Bình làm 2 người chết, hàng nghìn hộ dân bị ngập, chia cắt
Trưa 4-9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, mưa lũ đã làm hai người chết và một người bị thương. Hàng nghìn hộ dân bị ngập hoặc bị lũ chia cắt. Các địa phương khẩn trương di dời dân tránh lũ quét và sạt lở đất.
Dù nước ngập sâu nhưng “rốn lũ” Tân Hóa (Quảng Bình) vẫn an toàn nhờ nhà chống lũ (Ảnh: HƯƠNG GIANG).
Cụ thể, có hai người chết là chị Hồ Thị Chăn (SN 1986, bản Pa Chong, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa) do đi xúc cá dọc suối thì bị lũ cuốn trôi, chưa tìm thấy thi thể. Một bé trai hai tuổi ở bến chợ phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn rơi xuống nước bị lũ cuốn trôi, hiện đã tìm được thi thể. Một người đàn ông ở thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa bị thương do ngã khi đang trèo lên mái Trường tiểu học số 2 thị trấn Đồng Lê đặt bao cát phòng chống áp thấp nhiệt đới.
Toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 1.000 hộ dân bị ngập lụt và lũ chia cắt, tập trung tại các huyện miền núi như: Tuyên hóa, Minh Hóa. Trong đó, tại xã “rốn lũ” Tân Hóa, huyện Minh Hóa có 400 nhà bị ngập, riêng tại thôn Yên Thọ nước ngập sâu hơn hai mét. Các hộ khẩn trương di dời lên nhà tránh lũ để bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Tính đến 17 giờ chiều nay, toàn tỉnh có 106 trường phải hoãn khai giảng.
Nước sông Gianh tràn bờ làm một bé trai ở phường Quảng Thuận (Quảng Bình) rơi xuống và bị lũ cuốn (Ảnh: HƯƠNG GIANG).
Huyện Tuyên Hóa đã di dời 200 hộ dân với 790 nhân khẩu lên địa điểm an toàn. Tại hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, nước lũ dâng cao khiến 27 ha lúa hè thu bị ngập, hàng trăm ha hoa màu của người dân đã bị ngập úng, hư hỏng.
Theo Sở Giao thông vận tải Quảng Bình, Quốc lộ 12A, Quốc lộ 15 và Quốc lộ 9B xảy ra tình trạng sạt lở mái ta-luy, cây gãy đỗ, sạt lở đất đá khiến giao thông bị ách tắc.
Đặc biệt, Quốc lộ 12A tại Km 140+250, mặt đường nhựa bị nứt gãy, có nguy cơ cắt đường. Hiện, các đơn vị quản lý các tuyến đường đang khẩn trương khắc phục để thông tuyến, bảo đảm giao thông.
UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các ngành, địa phương bám cơ sở để chủ động phòng, chống mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”; lực lượng vũ trang trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào bám, nắm địa bàn để có biện pháp hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở, vùng ngập sâu để bảo đảm tính mạng cho người dân.
* Mưa lớn, lốc xoáy làm nhiều nhà tốc mái, ngập lụt tại Lâm Đồng
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có mưa kéo dài trên diện rộng, gây ngập lụt cục bộ tại nhiều địa phương. Nhiều khu vực xuất hiện mưa lớn kèm lốc xoáy khiến nhiều ngôi nhà bị ngập, tốc mái; nhiều diện tích cây trồng ngập úng.
Nhiều ngôi nhà tại huyện Đạ Tẻh bị ngập lụt. (Ảnh: BẢO VĂN)
Ba ngày qua, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh lượng mưa khá lớn, thỉnh thoảng kèm lốc xoáy gây ngập cục bộ một số thôn tại xã Triệu Hải, An Nhơn, Đạ Pal và thị trấn Đạ Tẻh. Riêng tại xã Đạ Pal, đêm 3-9, xảy ra lốc và lũ quét tại thôn Xuân Thượng, gây thiệt hại nặng nề về hoa màu, tài sản của người dân.
Thống kê ban đầu của UBND huyện Đạ Tẻh, có 23 ngôi nhà bị ngập lụt, tốc mái buộc phải di dời người dân đến nơi an toàn. Một số tuyến đường liên thôn bị ngập đến 0,5m. Mưa lớn kéo dài cũng gây ngập úng khoảng 150 ha hoa màu tại địa phương.
UBND huyện Đạ Tẻh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện, cấp xã đã kịp thời triển khai lực lượng ứng cứu, phòng chống lũ quét, lốc xoáy và ngập lụt; cử lực lượng ứng trực 24/24 để theo dõi mực nước trên các sông, suối, hồ đập; kiểm tra các vị trí có nguy cơ sạt lở, mất an toàn để kịp thời cảnh báo và ứng phó. UBND các xã đã huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ dân có nhà ở bị ngập lụt, tốc mái di dời tài sản đến khu vực an toàn, lợp lại mái nhà.
Cây thông cổ thụ trên đường Nguyễn Viết Xuân bị ngã đổ. (Ảnh: BẢO VĂN)
Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua, khiến nước suối Đạ Rsal, đoạn qua địa bàn xã Liêng Srônh dâng cao, chảy xiết; chiều 3-9, em Bon Krong K’Hôn (18 tuổi, trú xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, Lâm Đồng) cùng hai người bạn vào rừng hái măng, trong khi các em bơi qua suối, thì K’Hôn bị nước cuốn, hai người bạn may mắn thoát nạn. Nhận tin báo, UBND xã Liêng Srônh đã huy động lực lượng tại chỗ cùng người dân địa phương nhanh chóng đến hiện trường tìm kiếm nạn nhân.
Theo UBND xã Liêng Srônh, mùa này người dân thường đi lấy măng rừng, do đó, ngay đầu mùa mưa, chính quyền đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước; các bến đò được cấp phát đầy đủ áo phao, cắm biển cảnh báo những khu vực nguy hiểm… Nhưng không may vẫn xảy ra vụ việc đáng tiếc.
Đến chiều nay, 4-9, lực lượng cứu hộ cứu nạn tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực tìm kiếm K’Hôn, học sinh lớp 12.
Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiến nạn nhân.
Ghi nhận tại TP Đà Lạt, mưa kéo dài những ngày qua kèm gió giật mạnh, gây gãy đổ nhiều cây xanh khu vực nội đô. Sáng 4-9, một cây thông cổ thụ, đường kính gốc khoảng 60 cm, trên đường Nguyễn Viết Xuân (phường 4) bị bật gốc, ngã chắn ngang đường, gây mất điện cục bộ. Trên đường Lê Thị Riêng (phường 7), hai cây thông cổ thụ cũng bị gió quật đổ, chắn ngang đường, rất may thời điểm đó không có người qua lại. Trên một số tuyến đường khác, như Trần Hưng Đạo, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hoàng Văn Thụ… ghi nhận có cây xanh bị ngã, đổ. Trước đó, khoảng 5 giờ sáng 3-9, trên đường Đinh Tiên Hoàng, TP Đà Lạt, cây xanh đường kính gốc khoảng 40 cm bị bật gốc và đổ xuống đường đè trúng ô-tô 16 chỗ đang lưu thông, khiến thân xe hư hỏng.
Trước tình hình mưa bão, UBND TP Đà Lạt đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát các cây xanh cổ thụ có nguy cơ ngã đổ để tiến hành chặt hạ, tỉa cành, bảo đảm an toàn…
* Quảng Trị giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ
Mấy ngày qua, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó tỉnh Quảng Trị, mưa chủ yếu tập trung ở lưu vực sông Thạch Hãn và miền núi. Lượng mưa đo được từ ngày 1-9 đến trưa 4-9 tại thị trấn Khe Sanh của huyện miền núi Hướng Hóa 673 mm, tại thị trấn Cửa Việt huyện Gio Linh 148mm, tại TP Đông Hà 233mm. Hiện mực nước trên sông Thạch Hãn đang ở mức trên BĐ2, sông Bến Hải trên BĐ1.
Mưa lũ làm 4.500 ha lúa vụ hè thu 2019 của Quảng Trị bị ngập khi chưa thu hoạch kịp, trong đó có 1.700 ha bị ngập nặng, lúa đổ giữa đồng, tập trung tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ; ngoài lúa có 50 ha hoa màu là cây lạc bị ngâm nước. Đến thời điểm hiện tại tỉnh Quảng Trị đã thu hoạch được hơn 80% diện tích lúa vụ hè thu 2019.
Thị trấn Lao Bảo của huyện miền núi Hướng Hóa bị ngập do lũ cục bộ. Chính quyền địa phương được sự hỗ trợ của lực lượng Bộ đội biên phòng đã kịp thời đưa người dân đến vùng cao tránh lũ trong đêm 3-9.
Ngành giao thông Quảng Trị khắc phục sạt lở đất đá trên đường Hồ Chí Minh. (Ảnh: LÂM QUANG HUY)
Mưa lớn ở miền núi tiếp tục gây sạt lở đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 9 đoạn qua hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đác Krông, tỉnh Quảng Trị. Trước tình hình này, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị kịp thời chỉ đạo các đơn vị huy động máy móc, nhân lực để khắc phục sạt lở, khơi thông tuyến, bảo đảm an toàn cho nhân dân và phương tiện qua lại trên tuyến đường quan trọng này.
Kiểm tra tình hình mưa lũ trong ngày 4-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng đã chỉ đạo các ngành cần kịp thời khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Với ngành nông nghiệp, Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Quảng Trị cần giúp nhân dân sấy khô khối lượng lúa đã thu hoạch về để chống ẩm mốc; các lực lượng bộ đội, công an, thanh niên chuẩn bị lực lượng, phương tiện đợi nước lũ rút tập trung giúp bà con nhân dân thu hoạch lúa nhanh ở những diện tích bị ngập nước, kịp thời đưa về sấy, hạn chế thấp nhất khối lượng lúa bị mưa lũ làm hư hỏng.
Ngoài ra, các địa phương, đơn vị, nhất là hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đác Krông bảo đảm giao thông thông suốt trong mưa lũ, chú ý đề phòng lũ quét, sạt lở đất, vận động người dân tập trung lên các điểm cao tránh lũ nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất do lũ lụt gây ra…
Đác Nông: Không để học sinh dầm mưa trong ngày khai giảng
Phụ huynh và học sinh xã Đác R’măng, huyện Đác Glong, tỉnh Đác Nông đã sẵn sàng bước vào năm học mới.
Ngày 4-9, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đác Nông Trần Sỹ Thành cho biết, đã ký ban hành văn bản, hỏa tốc chỉ đạo ngành giáo dục trong tỉnh, các đơn vị trực thuôc và các trường học trên địa bàn phải căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương để có kế hoạch tổ chức khai giảng năm học mới cho phù hợp.
Theo đó, phải thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ để tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020 phù hợp. Trong trường hợp thời tiết xấu, các đơn vị phải tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, tuyệt đối không để tình trạng học sinh phải đứng dầm mưa đón khai giảng.
Cũng theo ông Thành, đến thời điểm hiện tại, ngành giáo dục tỉnh Đác Nông đã sẵn sàng cho lễ khai giảng năm học mới. Ngay cả các địa phương gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của mưa bão như huyện Đác R’lấp, Tuy Đức, Đác Glong… Sở đã chỉ đạo phòng giáo dục và các điểm trường khó khăn, vùng sâu vùng xa chủ động ngay từ đầu nên bảo đảm tốt về cơ sở vật chất, sách vở để sẵn sàng trước ngày khai giảng.
Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh Đác Nông có 383 cơ sở giáo dục, với hơn 174 nghìn học sinh các cấp. Trong đó, bậc mầm non dự kiến có hơn 40 nghìn trẻ, bậc tiểu học có khoảng 72 nghìn học sinh, bậc THCS có 42.500 học sinh…
Thừa Thiên - Huế: Mưa lớn gây ngập lụt nhiều vùng, học sinh phải nghỉ học
Thông tin từ Ban chi huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: đến ngày 4-9, trên địa bàn đã có một người tử vong do mưa lũ. Nạn nhân là ông Phan Khoái (83 tuổi), trú tại thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền), trong lúc leo lên mái hiên nhà chằng chống thì bị trượt chân, rơi xuống đất tử vong.
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, do mưa lớn kéo dài, nhiều địa phương ở vùng trũng Thừa Thiên - Huế bị ngập lụt cục bộ, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Tại các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Sơn (huyện Phong Điền) có 30 nhà bị ngập, hai nhà tốc mái; chính quyền địa phương phải di dời 13 hộ dân ở các vùng thấp trũng, sạt lở đến nơi an toàn.
Cụ thể, tại xã Phong Bình (huyện Phong Điền) các tuyến đường liên xã hầu như đã bị ngập từ 40 cm – 50 cm, có nhiều đoạn đến 1 m, người dân chỉ đi lại bằng ghe, thuyền. Toàn bộ học sinh trên địa bàn huyện phải nghỉ học. Nhiều diện tích nông sản cũng đã bị ngập khiến nhiều người dân tất bật đi thu hoạch, tránh tình trạng mất trắng.
Tại lưu vực sông Ô Lâu, do mưa to diện rộng, mực nước sông tăng, tuyến quốc lộ 49B ở huyện Phong Điền bị ngập nặng nhiều đoạn. Cụ thể, đoạn qua cầu Nhi Eo (xã Phong Hòa) bị ngập nặng chiều dài khoảng 200 m; đoạn từ cầu Làng Rào (xã Phong Bình) qua xã Điền Hương bị ngập khoảng 0,4 m, chiều dài 100 m; đoạn từ hợp tác xã Ưu Điềm đến chợ Ưu Điềm ngập 0,4 m, dài 500 m.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, có hơn 2.500 học sinh trong toàn tỉnh phải nghỉ học để bảo đảm an toàn do mưa lớn gây ngập cục bộ ở nhiều địa phương. Đặc biệt, tại huyện Phong Điền, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chủ động thông báo để năm trường tại các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương cho học sinh nghỉ học từ ngày 4-9. Tổng cộng có 2.611 học sinh ở ba cấp học (mầm non, tiểu học và THCS) trên địa bàn Phong Điền không đến trường.
Tính đến ngày 4-9, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế thu hoạch được 24.361 ha lúa hè thu, còn 871 ha chưa thu hoạch. Trong đó, vùng đồng bằng còn 111 ha, chính quyền đang huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch lúa trước ngày 5-9 để tránh ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Nông dân huyện Phú Lộc đang chật vật thu hoạch lúa bị nảy mầm trên những thửa ruộng bị ngập sâu.
Tại huyện Phong Điền, mưa lớn những ngày qua khiến cây sắn đã bắt đầu xuống lá và có chiều hướng thối củ. Nếu mưa tiếp tục kéo dài, sắn của người dân có nguy cơ mất trắng. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, năm nay thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, hạn hán kéo dài, nên cây sắn thiếu nguồn nước bổ sung, nên sản lượng giảm so với năm trước. Bà Nguyễn Thị Linh ở xã Phong Hiền cho biết: “Nhà tôi còn hai ha sắn chưa kịp thu hoạch do mưa quá lớn, nước ngập úng nên sắn bị vàng lá và có nguy cơ bị thối củ. Nếu trời tiếp tục mưa thì sẽ thối củ hết”.
Lo lắng mưa lũ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nông dân ở huyện Phong Điền những ngày qua đã tập trung nhổ sắn và gom số lượng sắn sau thu hoạch để kịp vận chuyển nhập cho Nhà máy tinh bột sắn Fococev đóng tại xã Phong An. Những ngày qua, các thương lái đã đến trực tiếp các cánh đồng sắn để thu mua cho nông dân với giá 1.500 đồng/kg. Dù vậy, người trồng sắn vẫn đang tất bật nhổ và nhập sắn sớm chừng nào tốt chừng đó, tránh nguy cơ mất trắng.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ sắn năm nay, toàn huyện Phong Điền đưa vào gieo trồng 1.204 ha. Đến thời điểm hiện tại đã thu hoạch được 479 ha sắn chạy lũ ở các địa phương như: Phong Xuân 140 ha; Phong Sơn 95 ha; Phong Hiền 50 ha; Phong Hòa 20 ha; Phong An 53 ha… Để hạn chế thiệt hại do ngập úng, người trồng sắn cần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch đối với nhưng diện tích đã “đúng” tuổi thời vụ. Việc thu hoạch sắn trùng với mùa mưa lũ nên người dân cần theo dõi diễn biến để có những phương án thu hoạch hợp lý.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết gửi cho các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã và TP Huế để chủ động ứng phó. Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị, địa phương và chủ đập kiểm tra công tác quản lý vận hành, an toàn điện, quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và phòng chống lụt bão tại các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh và các công trình đang thi công; tiến hành vận hành mở thử các cửa van tràn bảo đảm vận hành tốt khi có yêu cầu.
Theo: Nhandan.com.vn
Tin mới
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 37 - 09/09/2019 08:19
- Trung Bộ giảm mưa, Bắc Bộ nắng nóng - 06/09/2019 07:37
- Việt Nam cầm hòa Thái Lan trận mở màn vòng loại World Cup - 06/09/2019 02:27
- Nâng cao năng lực đội ngũ giám định viên tư pháp - 05/09/2019 09:26
- Toàn tỉnh Tưng bừng khai giảng và "Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường" năm học 2019 - 2020 - 05/09/2019 09:24
Các tin khác
- Hà Tĩnh: 27 xã ngập lụt, 222 trường học dừng khai giảng do mưa lũ - 05/09/2019 01:52
- Quảng Trị di dời hơn 1.000 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm do mưa lũ - 05/09/2019 01:45
- Cả nước đồng loạt khai giảng năm học mới - 05/09/2019 01:44
- Bão số 5 giật cấp 10 đang tiến vào Nam Trung Bộ, xuất hiện thêm áp thấp nhiệt đới mới - 04/09/2019 09:15
- Vụ học sinh trường Gateway tử vong: Khởi tố tài xế Doãn Quý Phiến - 04/09/2019 02:00
Điện thoại hữu ích
- Trưởng Ban Biên tập: Bùi Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện + Số điện thoại: 02183.861.179
- Phó Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Tiệp - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện
|