Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Trị chiều 4/9 cho biết, trong ngày 4/9 mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh này, đặc biệt là hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa.
Lượng mưa đo được tại 2 địa phương có nơi lên đến trên 800 mm. Mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn đổ về đã làm nhiều nhà dân bị ngập lụt, hư hại.
Tại huyện Hướng Hóa, nước dâng cao khiến hàng trăm ngôi nhà của người dân thị trấn Lao Bảo và các xã Thuận, Tân Long, Tân Thành… bị ngập lụt. Trong đó, riêng xã Thuận có đến 30 nhà dẫn bị ngập hoàn toàn và thị trấn Lao Bảo có hơn 500 ngôi nhà chìm trong nước.
Để đảm bảo an toàn cho nhân dân, các cấp chính quyền và ngành chức năng của các huyện Hướng Hóa, và Cam Lộ đã tiến hành sơ tán, di dời 1.047 hộ dân với 4.668 người ở vùng nguy hiểm. Riêng tại huyện Hướng Hóa có 931 hộ dân với 4.220 người dân đã được đưa đến nơi an toàn.
Không chỉ xảy ra tại các địa bàn huyện miền múi mà tình trạng ngập lụt cũng diễn ra ở các địa phương thuộc vùng đồng bằng. Trong đó, thống kê ban đầu tại huyện Cam Lộ có khoảng 400 hộ dân bị ngập lụt; huyện Triệu Phong có 30 nhà ở thôn Tân Đức, xã Triệu Thành bị ngập sâu trong nước, có nhà ngập trên 1 m.
Ngoài tình trạng ngập lụt do mưa lớn, tại xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong) và xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh), một trận lốc xoáy vừa đi qua cũng đã khiến nhiều nhà dân bị tốc mái.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Cam Lộ cho biết, trên địa bàn huyện có một phụ nữ trú tại thôn Mai Đàn, xã Cam Chính vào rừng hái nấm từ ngày 3/9/2019 rồi mất liên lạc cho đến nay. Hiện gia đình và lực lượng chức năng địa phương đang tích cực tìm kiếm. Còn ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa cũng đã có 01 người bị gãy chân khi đang tham gia phòng chống thiên tai.
Ngoài những thiệt hại kể trên, mưa lớn kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của người dân tại Quảng Trị. Số liệu thống kê mới nhất của tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 4.483 ha lúa bị ngập úng; 345,4 ha hoa màu bị hư hỏng nặng; 50,4 ha cây trồng hằng năm bị gãy đổ, hư hại… Nhiều gia súc, gia cầm bị chết do nước cuốn trôi hoặc ngập lụt.
Mưa lớn cũng làm cho nước sông, suối dâng cao khiến giao thông tại nhiều địa bàn bị chia cắt, nhất tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Hiện nhiều thôn, bản ở huyện Hướng Hóa đã bị cô lập hoàn toàn như: Xi Núc (xã Tân Long), Ra Ly (xã Hướng Sơn), A Dơi Cô, A Dơi Đớ, Xa Doan (xã A Dơi)… Tại huyện Đakrông, trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây, đoạn từ km 250 đến km 282 có 18 điểm sạt lở với khối lượng đất đá khoảng 700 m3; riêng 2 điểm tại km 265+600 và km 287+420 trên tuyến đường này bị sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông. Trong khi đó, trên tuyến Quốc lộ 9, nhiều điểm sạt lở xuất hiện từ tối 3/9/2019.
Mưa lớn kéo dài cũng khiến nhiều công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch... ở các xã, thị trấn của huyện Hướng Hóa, Đakrông và một số địa phương khác trong tỉnh bị hư hỏng nặng.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị đã tăng cường công tác chỉ huy, chỉ đạo, duy trì việc trực ban nghiêm túc từ tỉnh xuống cơ sở, thực hiện nhanh, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp ứng phó với mưa lũ; tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vân động, sơ tán, di dời người dân và tài sản của nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm để đến nơi an toàn.
Đặc biệt, từ sáng sớm 4/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng trị Hà Sỹ Đồng đã cùng đoàn công tác trực tiếp đến thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa để kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, kịp thời động viên người dân và cán bộ, chiến sĩ tích cực ứng phó với mưa lũ.
Tại đây, Phó Chủ tịch Hà Sỹ Đồng đã yêu cầu chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tập trung huy động lực lượng tại chỗ để di dời người dân ra khỏi vùng ngập lụt, trường hợp cần thiết có thể cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Các lực lượng chức năng cần túc trực 24/24 giờ, đặc biệt chú ý đến những địa bàn có nguy cơ mất an toàn cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cũng yêu cầu, ngay sau khi nước rút, chính quyền địa phương cần vận động người dân phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng làm tốt công tác vệ sinh môi trường, tránh để xảy ra dịch bệnh.
Trong khi đó, theo Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, để ứng phó với mưa bão, lũ lụt, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ đến các địa bàn xung yếu, bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai phối hợp giúp dân./.
Theo: Dangcongsan.vn