Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu ý kiến tại phiên họp
(Ảnh: TTXVN)

Chiều 12/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật chứng khoán (sửa đổi).

Ba phương án về địa vị, nhiệm vụ của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7 với nhiều vấn đề còn có ý kiến trái chiều, trong đó có quy định về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, có 2 loại ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất tán thành mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập và trực thuộc Chính phủ để quyết định nhiều vấn đề trực tiếp hơn theo thông lệ quốc tế.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, mô hình Ủy ban Chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính đã và đang hoạt động tốt, phù hợp với chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập cho Ủy ban Chứng khoán trong hoạt động.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế trình tại phiên họp chiều nay nêu 3 phương án. Phương án 1 (cũng là phương án mà Chính phủ trình): Ủy ban Chứng khoán nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng có chỉnh lý theo hướng bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ.

Phương án 2:Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng tăng thêm tính độc lập, thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với sở giao dịch chứng khoán và tổng công ty lưu ký.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức và toàn bộ hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Chính phủ quy định.

Đa số Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất lựa chọn phương án này.

Phương án 3: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập, trực thuộc Chính phủ. Theo phương án này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền chủ động xây dựng chiến lược, đề xuất chính sách với Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán; là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước của sở giao dịch và tổng công ty lưu ký, có đầy đủ quyền hạn quản lý và giám sát toàn diện thị trường, bảo đảm tính độc lập theo nguyên tắc của IOSCO, thực hiện được khuyến nghị của FSAP, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập giúp cho việc quản lý thống nhất ban hành quy chế, chủ động về tổ chức nhân sự, ngân sách sẽ tăng cường hiệu quả quản lý, tăng trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực của thị trường, góp phần quan trọng để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Chính phủ bảo đảm tính hiệu quả và thống nhất hơn trong giai đoạn hiện nay, tách bạch giữa chức năng của cơ quan quản lý tài chính nhà nước với chức năng của các tổ chức hoạt động trung gian tài chính. Tuy nhiên, theo phương án này sẽ phát sinh thêm đầu mối trực thuộc Chính phủ, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

SGDCK Việt Nam đặt tại Hà Nội

Mô hình của Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) cũng là một trong những vấn đề đang còn ý kiến khác nhau.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, về vấn đề này có 2 phương án. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất lựa chọn phương án chỉ có 01 SGDCK duy nhất và đặt tại trung tâm tài chính quốc gia, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán. Phương án này bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả của thị trường, minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật.

Theo đó, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng sửa đổi tên gọi SGDCK thành SGDCK Việt Nam tại các điều, khoản liên quan và bổ sung quyền, nghĩa vụ theo Quyết định số 32/QĐ-TTg. Dự thảo Luật cũng quy định rõ SGDCK Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán; đồng thời bổ sung quy định theo hướng: "Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, giải thể, cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu của SGDCK Việt Nam nhưng phải bảo đảm Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của các đơn vị tổ chức thực hiện giao dịch chứng khoán” để bảo đảm giữ vai trò chỉ đạo, chi phối của Nhà nước đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù quan trọng này.

“Phương án này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận tại Phiên họp thứ 33”- Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhắc lại.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ thống nhất với ý kiến của Ủy ban Kinh tế. “Cần bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả của thị trường, minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật, vì vậy, thống nhất phương án chỉ tổ chức một SGDCK. SGDCK phải đặt ở nơi có quy mô, thị trường sôi động nhất, chứ không phải nhất định cứ thủ đô ở đâu thì đặt đó”.

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bày tỏ nhất trí với cơ quan thẩm tra và ý kiến của Chủ tịch Quốc hội. Về việc đặt SGDCK, Bộ trưởng thông tin: “Hiện nay, chúng tôi đang hoàn chỉnh quyết định đặt SGDCK ở Hà Nội để thuận lợi trong quản lý, giám sát, điều hành vĩ mô cùng Ủy ban chứng khoán nhà nước, Chính phủ trong việc ứng phó các vấn đề lúc bất bình thường; đồng thời xử lý bằng công nghệ thông tin. Chúng tôi cũng đang phân công đẩy mạnh SGDCK Hồ Chí Minh là cổ phần, SGDCK Hà Nội là cổ phiếu, trái phiếu Chính phủ và trái phiếu phát sinh. Chúng tôi thấy như vậy là hoàn toàn phù hợp”.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: UBTVQH khẳng định chỉ có một SGDCK Việt Nam và đặt tại trung tâm tài chính quốc gia, còn việc đặt cụ thể tại địa điểm nào do Chính phủ cân nhắc quyết định mà không quy định trong luật. Song UBTVQH đề nghị cân nhắc việc quy định “Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, giải thể, cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu của SGDCK Việt Nam nhưng phải bảo đảm Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của các đơn vị tổ chức thực hiện giao dịch chứng khoán”./.

 

 

 

 

Theo: Dangcongsan.vn