Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thành Hưng khi tham dự lễ khai trương Trung tâm Giám sát Điều hành Đô thị Thông minh (IOC) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa diễn ra ngày 25/7/2019.
Chính quyền và người dân: kết nối 24/24
Gần 20h00, bạn về nhà và bắt gặp một chiếc ô tô đỗ không đúng quy định tại vị trí chắn tàu hỏa. Tình trạng này diễn ra thường xuyên. Bạn đã nhắc nhở một vài lần, nhưng không thay đổi được.
Nếu như trước đây, bạn sẽ lắc đầu ngao ngán và thầm trách người đậu xe vô ý thức nhưng có vẻ bạn sẽ không cần phải làm như vậy. Đơn giản, bạn lấy smartphone, chụp lại hình ảnh rồi gửi kiến nghị. Thông tin sẽ được cơ quan chức năng ghi nhận trong 1 giờ với thời hạn giải quyết trong 7 ngày, nhưng có khi chỉ 1 ngày sau bạn đã nhận được phản hồi. Sự vụ được xử lý rốt ráo, chủ xe bị phạt hành chính.
Đây chính xác là những gì đang diễn ra tại thành phố Huế, thành phố thông minh (smart-city) đầu tiên tại Việt Nam. Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trên cả nước có IOC - được xem là trái tim của smart-city. Trung tâm này sẽ là đầu mối kết nối giữa công dân, doanh nghiệp, và chính quyền. Mô hình được triển khai trên nền tảng giải pháp của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel.
IOC đang triển khai đồng thời 10 dịch vụ, bao gồm phản ánh hiện trường, nhóm giải pháp camera giám sát đô thị, thông tin cảnh báo, giám sát thông tin báo chí địa phương… Trong số đó, phản ánh hiện trường là dịch vụ tiếp xúc với người dân nhiều nhất. Thông qua ứng dụng Hue-S, người dân có thể kiến nghị, thông báo những bất cập trong đời sống xã hội với cơ quan chức năng. Quá trình tiếp nhận, xử lý và kết quả đều được đăng tải để người dân có thể giám sát quá trình đến khi có kết quả cuối cùng.
Bên cạnh gửi phản ánh hiện trường về IOC, ứng dụng Hue-S cũng gửi những cảnh báo nhanh cho người dân về địa điểm tắc đường, hoả hoạn, tai nạn, kế hoạch mất điện hay tình hình tội phạm trên địa bàn. Ngoài ra, ứng dụng cũng cung cấp chức năng xây dựng mạng lưới, huy động, hỗ trợ cho người dân gửi các cảnh báo đến Trung tâm xác minh, từ đó cảnh báo nhanh trên diện rộng.
Huế làm được, các địa phương khác cũng có thể làm được
“Lần thứ 2 trở lại trung tâm này tôi không ngờ chỉ một năm thôi Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế đã tiến rất nhanh”, ông Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không khỏi ngạc nhiên khi tham quan IOC.
“Không tính đến việc điều hành trung tâm, công tác điều hành của các bạn rất tuyệt vời. Các bạn là một đối tác, rất chủ động với Viettel trong việc cùng làm”, ông Khoa nhận xét và quay sang nói với các cán bộ tỉnh mình “Trong tương lai chúng ta cũng vậy, không được thụ động”.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tiêu biểu triển khai đô thị thông minh trong thời gian qua.
“Chỉ một thời gian ngắn tỉnh đã có được những kết quả khá bền vững, đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả rõ hệt. Trong điều kiện nguồn lực của tỉnh còn nhiều hạn chế, đây là một ví dụ có thể giúp cho các địa phương khác tham khảo trong quá trình số hoá chính quyền”.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng cho rằng, thành công của Huế trong đầu tư công nghệ thông tin nói chung và xây dựng đô thị thông minh nói riêng được quyết định thông qua đầu tư tập trung. Thực sự là điểm khác biệt.
Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm triển khai smart-city thành công của một số địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chia sẻ một số kinh nghiệm và một trong số đó là lựa chọn doanh nghiệp có năng lực để tổ chức thực hiện thí điểm điển hình, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng.
Trường hợp của Thừa Thiên Huế, tỉnh này đang hợp tác chiến lược với Viettel để thực hiện phần lớn các hoạt động về kỹ thuật trong IOC, cùng với đó là những hỗ trợ về trang bị, máy móc, đường truyền, chi phí…
Trong lễ khai trương IOC vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nêu rõ: Đó là quá trình may đo để chọn bộ quần áo vừa với kích cỡ của mình nhất. Cơ hội của Huế chính là tìm cho mình một người thợ may đo được cho mình cái áo vừa nhất, đảm bảo túi tiền, và mặc nó một cách vừa phải.
Với những gì mà Huế đã làm được, địa phương này đang tạo ra niềm cảm hứng lớn về smart-city.
“Không có nhiều nguồn lực, quy mô địa phương bé, vậy nếu Huế làm được, không lý do gì các địa phương khác không thể làm được”, ông Phan Ngọc Thọ chia sẻ./.
Theo: Dangcongsan.vn