Dự báo vị trí và hướng di chuyển của bão số 3 (Nguồn: nchmf.gov.vn)


Theo Công điện, sáng ngày 31/7, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 3 năm 2019 và có tên quốc tế là WIPHA). Hồi 10h00 ngày 31/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc, 113,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía Đông Bắc. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 109,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc, 107,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.

Để chủ động ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Đối với trên biển, tổ chức rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả đối với các tàu vận tải, du lịch). Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú; tổ chức, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho khách du lịch trên các đảo. Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương thực hiện việc cấm biển.

Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, nhất là khu vực ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp ven biển, sông, suối, khu vực khai thác khoáng sản. Dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men để chủ động ứng phó với mưa lũ lớn theo phương châm “bốn tại chỗ”. Kiểm soát giao thông, nhất là các tuyến cao tốc, các cầu vượt biển để đảm bảo an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người dân tại các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản; hệ thống đê điều, nhất là các đoạn đê xung yếu, bị sự cố, đang thi công. Đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Đối với khu vực miền núi, trung du, rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt là khu vực đã có mưa to trong thời gian qua.

Kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập và hạ du hồ chứa, nhất là các hồ đập xung yếu đang thi công, sửa chữa và việc vận hành các hồ thuỷ điện nhỏ. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp độ báo động. Tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo quy định…

Các Bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các địa phương triển khai ứng phó và sẵn sàng hỗ trợ địa phương xử lý, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục làm tốt công tác thông tin, đưa tin kịp thời diễn biến của mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng tránh.

 

 

Theo: Dangcongsan.vn