Phiên họp 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: quochoi.vn)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 04 dự án Luật gồm: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

UBTVQH cũng cho ý kiến về việc đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 7 (trong đó, Chính phủ báo cáo về công tác chỉ đạo chuẩn bị kỳ họp thứ 7 như: nội dung, tài liệu; giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm an ninh, an toàn kỳ họp,... những vấn đề cần rút kinh nghiệm hoặc kiến nghị cho việc chuẩn bị các kỳ họp sau của Quốc hội); cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Quốc hội điện tử giai đoạn 2019-2026; cho ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

Cũng tại phiên họp, UBTVQH xem xét, quyết định chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xem xét, quyết định thành lập phường Lộc Hòa và phường Mỹ Xá thuộc thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; thành lập thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, từ Kỳ họp thứ 7 đến nay, thời gian không nhiều, nhưng với tinh thần phối hợp chặt chẽ, tích cực nghiên cứu, chuẩn bị của các cơ quan, đến nay, 4 dự án luật đã được tiếp thu, chỉnh lý để kịp trình UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục phát huy tinh thần chủ động trong việc chuẩn bị cho các phiên họp tiếp theo.

Ngay sau phát biểu khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Báo cáo UBTVQH về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, hiện đang có ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, vì không khả thi và không có cơ sở buộc doanh nghiệp phải thực hiện.

 

 

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp đã được quy định Điều 19 Luật Dân quân tự vệ hiện hành và các Nghị định của Chính phủ, quá trình tổ chức thực hiện đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn còn khó khăn, vướng mắc, nhất là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức, huấn luyện, hoạt động của tự vệ. Việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp là theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương và nhiệm vụ của khu vực phòng thủ để góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Trong thời bình chỉ tổ chức tự vệ ở một số doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên; đối với các doanh nghiệp chưa tổ chức tự vệ, thì phải đăng ký quản lý người lao động trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ để sẵn sàng mở rộng lực lượng khi có yêu cầu. Do đó, việc quy định cụ thể về điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp là cần thiết.

Tuy nhiên, để tránh trùng lắp với Điều 16 dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị UBTVQH cho sửa lại tên Điều 17 này là “Điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp”.

Cơ bản đồng tình với nội dung giải trình của Báo cáo, tuy nhiên, một số Ủy viên UBTVQH lưu ý, các điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp còn khá chung chung. Ví dụ như, dự thảo luật yêu cầu bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của UBND cấp tỉnh, cấp huyện đối với tự vệ trong doanh nghiệp, nhưng đối với doanh nghiệp nước ngoài không có cấp ủy đảng thì sao? Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, nếu không quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong trường hợp này, thì cần bổ sung thêm trách nhiệm quản lý tự vệ trong doanh nghiệp nước ngoài thuộc về ai?

Điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp cũng liên quan trực tiếp đến Điều 36, dự thảo luật về “kinh phí bảo đảm cho tự vệ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được tính vào các khoản chi, được trừ khi xác định chịu thuế của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”, các Ủy viên UBTVQH nhấn mạnh, đây là nội dung cần được tính toán kỹ. Theo Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, về nguyên tắc, mục đích bảo đảm quốc phòng – an ninh luôn được ưu tiên; song trong nền kinh tế thị trường việc yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là khối tư nhân, khối FDI đầu tư chi phí cho lực lượng tự vệ thì cần phải hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và nhà nước. Không thể ép buộc được. Vấn đề đưa vào chi được trừ trước thuế cũng cần cân nhắc với quy định của các luật thuế, bảo đảm tính công bằng và công khai.

Đối với quy định mở rộng lực lượng dân quân tự vệ, quy định về phụ cấp, chi ngân sách, một số Ủy viên UBTVQH đề nghị, cần bảo đảm tính khả thi, phù hợp với chủ trương cải cách tiền lương, chế độ phụ cấp đã ban hành của nhà nước. Luật phải hướng đến giải quyết hài hòa, hợp lý việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ với bản chất là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, là lực lượng vững vàng và rộng khắp, chú trọng biên giới, hải đảo, nhưng cũng phải bảo đảm tinh gọn, giảm số người hoạt động không chuyên trách, nâng cao hiệu quả, tránh dàn trải nguồn lực. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ bám sát tình hình, xu hướng của quân sự quốc phòng, đặc biệt trong công tác xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo Luật gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 8.

Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam./.

 

 

 

Theo: Dangcongsan.vn