-
Lượt xem: 1021
Sáu tháng đầu năm 2019, cùng các giải pháp điều hành kinh tế chung của Chính phủ, điều hành chính sách tiền tệ được đánh giá là đi đúng hướng kiểm soát lạm phát. Ðịnh hướng từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục bám sát diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Kiên trì kiểm soát lạm phát
Theo Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Thanh Hà, trong sáu tháng đầu năm, NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giữ ổn định các mức lãi suất điều hành và chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, bảo đảm an toàn tài chính. Kết quả, mặt bằng lãi suất trong sáu tháng đầu năm cơ bản tiếp tục ổn định, hiện lãi suất cho vay của các TCTD phổ biến khoảng 6 đến 9%/năm đối với ngắn hạn, khoảng 9 đến 11%/năm đối với trung - dài hạn.
Ðặc biệt, trong bối cảnh thị trường trong nước đan xen những thuận lợi, khó khăn, thị trường quốc tế và khu vực biến động khó dự đoán, nhưng NHNN đã chủ động, linh hoạt các giải pháp để ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối. "Ðến nay, chúng ta giữ được ổn định cho nên tỷ giá trung tâm điều hành sáu tháng đầu năm điều chỉnh chỉ 1%, còn tỷ giá thực tế giao dịch giữa các ngân hàng, liên ngân hàng chỉ mới điều chỉnh 0,3 đến 0,4%, mức kiểm soát rất tốt tình hình. Tất cả các nhu cầu ngoại tệ nền kinh tế đều được đáp ứng đầy đủ", Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định.
Bên cạnh đó, với việc triển khai nhiều giải pháp điều hành, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng tốt, với mức tăng 7,33%, xấp xỉ mức tăng cùng kỳ của năm 2018. Cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều trong tầm kiểm soát. Vì vậy, mặc dù những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng cao, cho thấy tín dụng được phân bổ hiệu quả và có chất lượng.
Công tác cơ cấu lại các TCTD cũng được đẩy mạnh. Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) Nguyễn Trọng Du cho biết: NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các TCTD hoàn thiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu. Kết quả đạt được đã tạo cơ sở quan trọng để duy trì, giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD. Năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, chất lượng tín dụng được cải thiện; quy mô hệ thống các TCTD tăng...
Ngoài ra, trong sáu tháng đầu năm, hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt phát triển tích cực. Hệ thống ngân hàng đã phối hợp Bộ Tài chính, trong đó có hải quan, kho bạc, để kết nối đến tận cấp huyện. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện tiếp tục phối hợp hệ thống ngân hàng cung ứng dịch vụ thu viện phí không dùng tiền mặt. "Tới đây NHNN rất mong muốn, các địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với hệ thống ngân hàng để cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trong hoạt động ở các tỉnh, thành phố", Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Chủ động "hóa giải" áp lực
Nhìn lại sáu tháng, có thể thấy tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống các TCTD phù hợp tốc độ tăng GDP của cả nước. Ðiều này cũng cho thấy, các yếu tố thị trường tiền tệ phản ánh tương đối đồng nhất với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong các tháng đầu năm 2019. Song ở những tháng cuối năm, trong bối cảnh kinh tế thế giới có biến động phức tạp khó lường, để có thể thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%, tăng trưởng kinh tế 6,5%, các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với ngành ngân hàng còn rất nặng nề.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành: Ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì lạm phát ở mức tương đối thấp là điểm sáng của bức tranh kinh tế. Kết quả này cho thấy NHNN vẫn luôn kiên định trong công tác điều hành khi sử dụng tương đối linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để vừa giữ được sự ổn định của lãi suất, vừa không tạo thêm áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn còn do tác động của các yếu tố bên ngoài như địa chính trị, giá dầu thế giới; tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công… Do đó, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mà NHNN kiên định theo đuổi vẫn cần tiếp tục duy trì trong những tháng cuối năm.
Ngoài ra, cũng theo nhiều chuyên gia kinh tế, với độ mở ngày càng tăng của nền kinh tế và những biến động khó lường của thị trường tài chính tiền tệ gần đây, nhất là biến động của đồng USD và CNY cũng như tỷ giá của cặp tiền tệ này sẽ ngày càng tăng sức ép đến tỷ giá VNÐ. Thâm hụt thương mại có thể quay trở lại. Việc tăng tỷ giá trung tâm trong bối cảnh hiện nay là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với cách thức điều hành tỷ giá trung tâm một cách chủ động và linh hoạt, có lên có xuống trong thời gian qua của NHNN đã góp phần đáng kể vào việc tạo lập tâm lý ổn định và niềm tin của thị trường. Ðây cũng là tiền đề góp phần "hóa giải" đáng kể những áp lực về tỷ giá trong thời gian tới.
TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, với cơ chế và kinh nghiệm điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, việc sử dụng đồng bộ nhiều công cụ khác nhau của NHNN cùng với nguồn lực ngoại hối đã được tăng cường, quan hệ cung - cầu ngoại tệ cơ bản ổn định; tỷ giá USD/VNÐ trong tầm kiểm soát và tăng 2 đến 3% trong năm 2019 là mức chấp nhận được. Song cần theo dõi chặt chẽ diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, chính sách tài khóa - tiền tệ của các nước lớn nhằm kiểm soát dòng vốn, có biện pháp cụ thể nhằm cân bằng hơn thương mại với Mỹ. Ðồng thời, cần chủ động bám sát, phối hợp để trao đổi với Bộ Tài chính Mỹ để có đánh giá khách quan, đúng và tích cực hơn về chính sách tiền tệ - thương mại của Việt Nam.
Cuối cùng, dù đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, nhưng đây vẫn là nỗi lo thường trực đối với mỗi TCTD nói riêng và toàn hệ thống nói chung. Ðiều này cũng khiến các ngân hàng cẩn trọng hơn khi "rót" tín dụng vào nền kinh tế. "Ðến nay, tổng nợ xấu toàn hệ thống đã đưa về mức 5,3 đến 5,4%. Phấn đấu trong năm nay, sẽ cố gắng đưa về mức 5% như mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Xa hơn, phấn đấu đến năm 2020 đưa nợ xấu toàn hệ thống về dưới 3%. Dù thời gian qua toàn hệ thống đã rất nỗ lực nhưng để đạt được mục tiêu đó phải phấn đấu quyết liệt và tập trung xử lý trong thời gian tới", Thống đốc Lê Minh Hưng nêu rõ.
Theo: Nhandan.com.vn
Tin mới
- Bão Danas di chuyển theo hướng Tây Bắc, khả năng mạnh thêm - 17/07/2019 08:09
- Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền các vùng biển của mình ở Biển Đông - 17/07/2019 08:07
- Thường trực Chính phủ họp về bảo đảm cung ứng điện - 16/07/2019 07:28
- Bắc Bộ nắng nóng diện rộng, chiều tối có mưa rào và dông - 16/07/2019 07:24
- Khai mạc phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - 16/07/2019 07:16
Các tin khác
- Vùng núi phía Bắc mưa to, Trung Bộ nắng nóng gay gắt - 15/07/2019 01:56
- Đề xuất tăng lương cơ bản năm 2020 từ 7 - 8% - 11/07/2019 02:43
- Bắc Bộ mưa dông diện rộng - 10/07/2019 09:09
- Thủ tướng phân công soạn thảo 14 dự án luật, pháp lệnh - 10/07/2019 09:07
- Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVI sẽ diễn ra từ 17 - 19/7 - 10/07/2019 00:58
Điện thoại hữu ích
- Trưởng Ban Biên tập: Bùi Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện + Số điện thoại: 02183.861.179
- Phó Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Tiệp - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện
|