-
Lượt xem: 462
Cuối phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực xây dựng, sáng 5-6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Thủ tướng Chính phủ tiếp thu các ý kiến chất vấn và giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Khắc phục tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, giảm áp lực đối với hạ tầng đô thị
Về tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện ở các đô thị hiện nay mà một số đại biểu nêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết điều chỉnh quy hoạch là một nội dung, nhiệm vụ trong hoạt động quy hoạch và trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Điều chỉnh quy hoạch là do những yêu cầu khách quan và chủ quan của các chủ thể liên quan đến hoạt động quy hoạch, gồm: Điều chỉnh quy hoạch do Nhà nước yêu cầu (chất lượng quy hoạch kém); Điều chỉnh quy hoạch do người dân yêu cầu (không phù hợp quyền lợi của người dân); Điều chỉnh quy hoạch do nhà đầu tư yêu cầu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây dư luận xã hội, cử tri và ĐBQH đang rất bức xúc về tình trạng điều chỉnh quy hoạch chạy theo nhà đầu tư, điều chỉnh tùy tiện như: nâng tầng cao, nâng mật độ xây dựng làm gia tăng dân số, giảm không gian công cộng,… gây quá tải lên hệ thống hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Để khắc phục tình trạng này, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ yêu cầu Bộ Xây dựng, các địa phương thanh tra, kiểm tra rà soát lại các quy hoạch điều chỉnh, xem xét xử lý nghiêm với các quy hoạch điều chỉnh tùy tiện, không đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch và không bảo đảm cảnh quan kiến trúc theo đúng quy định pháp luật. Cho dừng thực hiện với các quy hoạch điều chỉnh vi phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn đang thực hiện hoặc chưa thực hiện. Đồng thời có các giải pháp đầu tư hạ tầng để đáp ứng yêu cầu gia tăng dân số và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm.
Riêng đối với tình trạng gia tăng dân số, gây áp lực lên hạ tầng tại các đô thị, Phó Thủ tướng cho biết xu hướng tập trung hóa đô thị đang tăng nhanh. Trong đó, người dân có xu hướng dịch chuyển về các đô thị lớn để tìm kiếm việc làm, chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi năm ước tính tốc độ tăng dân số cơ học khoảng 200 nghìn người, 5 năm tăng thêm một triệu người, bằng với dân số của một đô thị trung bình. Mặt khác dân số tại các quận nội thành ở hai thành phố này hiện đang rất cao, trung bình khoảng 1,2 triệu người.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng không theo kịp tốc độ tăng dân số, là nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông, tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cấp – thoát nước, xử lý nước thải, …), gây ô nhiễm môi trường. Các yếu tố này đều gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Theo Phó Thủ tướng, trước mắt cần thực hiện một số giải pháp như: Kiểm soát chặt chẽ nhà cao tầng, mật độ xây dựng; Quy hoạch các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để thu hút người dân; Bố trí nguồn lực để chuyển các cơ sở ô nhiễm, trụ sở cơ quan nhà nước. Riêng tại Hà Nội, Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng đã yêu cầu TP Hà Nội điều chỉnh quy hoạch phía bắc để xây dựng các khu đô thị mới với hạ tầng hiện đại, giảm áp lực cho các quận nội thành.
Bên cạnh đó, cần triển khai các giải pháp dài hạn, như: Xây dựng chiến lược phát triển đô thị quốc gia; Phát triển đồng bộ hệ thống đô thị với phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế; chú trọng đầu tư hạ tầng nhằm tạo ra các khu đô thị đồng bộ, hiện đại, hấp dẫn người dân.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn sáng ngày 5-6.
Bảo đảm sử dụng đất đai hợp lý, hiệu quả
Trong phiên chất vấn thuộc lĩnh vực xây dựng, ĐBQH nêu tình trạng quy hoạch treo, dự án treo đang diễn ra ở nhiều địa phương gây ảnh hưởng tới quyền lợi và cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch (người dân không thể làm nhà vì vướng quy hoạch, đi nơi khác cũng không được vì nhà nước không có nguồn lực để giải phóng mặt bằng,...), làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, gây bức xúc trong xã hội.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do chất lượng của quy hoạch thấp, thiếu tính dự báo, thiếu căn cứ kế hoạch; quy hoạch nhu cầu sử dụng đất vượt quá khả năng đáp ứng của các nguồn lực.
Mặt khác, công tác lập quy hoạch chưa gắn với việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch nhằm xác định lộ trình, nguồn lực đầu tư phù hợp với từng giai đoạn của quy hoạch để từ đó cho phép người dân được đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong thời hạn chưa thực hiện quy hoạch nhằm sử dụng đất đai hợp lý, hiệu quả.
Công tác quản lý thực hiện quy hoạch thiếu kế hoạch dẫn đến có tình trạng cấp phép dự án tràn lan, theo phong trào không phù hợp với nhu cầu của thị trường về các sản phẩm bất động sản (BĐS). Cùng với đó việc lựa chọn các nhà đầu tư thiếu năng lực về quản lý và tài chính cũng là nguyên nhân dẫn đến dự án treo.
Để khắc phục tình trạng này và bảo đảm sử dụng đất đai hợp lý, hiệu quả, Phó Thủ tướng cho rằng trước hết phải tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch.
Để thực hiện, cần có cơ chế để lựa chọn được các nhà tư vấn giỏi, có kinh nghiệm lập quy hoạch, và phải lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực theo đúng quy định. Đồng thời thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin về quy hoạch, công khai quy hoạch và lắng nghe ý kiến người dân trong việc lập quy hoạch cũng như trong điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.
Bên cạnh đó, sau khi có quy hoạch được phê duyệt, các địa phương cần phải chủ động lập kế hoạch thực nghiệm quy hoạch (theo Nghị quyết 11 của Chính phủ). Trong đó xác định rõ lộ trình nguồn lực đầu tư (vốn ngân sách hay vốn xã hội) và các dự án ưu tiên để triển khai thực hiện.
Phải gắn việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch với việc thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, phải xác định cơ cấu các sản phẩm BĐS hợp lý. Đặc biệt phải chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp để đáp ứng yêu cầu cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách, cho người nghèo, cho người thu nhập thấp. Đây là một nhân tố bảo đảm sử dụng đất đai hợp lý, hiệu quả, đồng thời cũng là nhân tố bảo đảm cho thị trường BĐS phát triển bền vững. Trong đó, thị trường BĐS phải theo nhu cầu, đáp ứng nhiều đối tượng trong xã hội.
Cuối cùng, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện quy hoạch, phát hiện những bất cập và xử lý kịp thời các vi phạm. Kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định do lỗi của nhà đầu tư, đồng thời xử lý trách nhiệm các cán bộ quản lý gây ách tắc đến tiến độ, gây thiệt hại cho nhà nước, đầu tư.
Theo: Nhandan.com.vn
Tin mới
- Kết thúc phiên chất vấn: Thành viên Chính phủ trả lời trực tiếp, không né tránh - 07/06/2019 02:51
- Ban hành kế hoạch triển khai, sắp xếp lại các cơ quan báo chí - 07/06/2019 02:48
- Sẽ giám sát lời hứa của các “Tư lệnh ngành” - 07/06/2019 02:44
- Nắng nóng ở Bắc Bộ, Trung Bộ sẽ kéo dài trong nhiều ngày tới - 06/06/2019 01:00
- Dịch tả lợn châu Phi lan ra 54 tỉnh, thành phố trong cả nước - 06/06/2019 00:58
Các tin khác
- Italy ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ - 06/06/2019 00:45
- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: “Chưa nhận được thông tin quan chức góp tiền xây chùa” - 06/06/2019 00:42
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trả lời nhiều vấn đề "nóng" - 05/06/2019 08:45
- Chưa thống nhất quy định uống rượu, bia của người điều khiển giao thông - 04/06/2019 08:02
- Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua 17 dự án luật 01 dự thảo nghị quyết trong năm 2020 - 04/06/2019 08:00
Điện thoại hữu ích
- Trưởng Ban Biên tập: Bùi Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện + Số điện thoại: 02183.861.179
- Phó Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Tiệp - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện
|