-
Lượt xem: 23
Quy định hưởng bảo hiểm một lần là nội dung làm "nóng" nghị trường Quốc hội sáng 23/11 khi nhận nhiều đóng góp, tranh luận của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang). Ảnh: QH
Lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp
Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội trước đó đã đưa ra hai phương án về quy định hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) phân tích, phương án 1 sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động tham gia BHXH trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực. Bởi một trong những lý do chính khiến người lao động rút BHXH một lần trong thời gian qua là để bù đắp những khó khăn về mặt kinh tế như cần tiền để lo cho cuộc sống trước mắt hoặc có nguồn lực để phát triển kinh tế gia đình.
Theo đại biểu, quy định như phương án 1 dễ dẫn tới nguy cơ sẽ không động viên được người lao động trẻ, người lao động mới tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện, trong bối cảnh tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất cao (68,5%), tích lũy từ tiền lương và thu nhập của người lao động còn rất thấp, do vậy việc rút BHXH một lần trong nhiều trường hợp là nguồn tài chính vô cùng cần thiết để người lao động duy trì, bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt của họ. Và như vậy vô hình dung sẽ không tạo động lực để người lao động trẻ, lao động mới tham gia BHXH, không thực hiện được nguyên tắc công bằng, bình đẳng của BHXH trong quan điểm xây dựng luật, khiến cho mục tiêu, ý nghĩa của chính sách về BHXH không đạt được như Nghị quyết 28 đề ra.
Với phương án 2 người lao động vẫn có thể rút BHXH một lần như điều kiện hiện nay, nhưng mức rút chỉ là 50% trên tổng tích lũy của họ trước đó là không hợp lý vì số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động cũng là tiền của người lao động (theo quy định tại khoản 3 Điều 168 của Bộ luật Lao động).
Bên cạnh đó, việc chỉ chi trả 50% và giữ lại 50% chưa phải là một phương án tốt hỗ trợ cho người lao động khi họ phải đương đầu với những khó khăn trước mắt của cuộc sống.
Đặc biệt hơn, theo đại biểu, khi người lao động rút BHXH 1 lần là phụ nữ thì việc sử dụng những khoản tiền này lại chủ yếu là dành cho những nhu cầu thiết yếu của gia đình, sinh con và nuôi con nhỏ. Phương án này cũng sẽ tạo ra sự khác biệt khá lớn về số tiền hưởng BHXH một lần của những người lao động hưởng BHXH một lần trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực. Chính sách cũng không thực hiện được mục tiêu xây dựng luật là mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH.
Vì các lý do trên, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới, để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của người lao động về việc hưởng BHXH một lần.
“Tôi ủng hộ phương án người lao động được rút BHXH một lần và được rút một mức thỏa đáng nhất có thể được. Bên cạnh đó, đề nghị có các hình thức hỗ trợ song song như tín dụng, vốn vay ưu đãi cho người lao động kèm theo công tác vận động, truyền thông để thay đổi nhận thức, hành vi giúp mọi người nhận diện được lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH, từ đó tự nguyện cam kết thực hiện” - đại biểu nêu quan điểm.
Nên cho phép người lao động rút BHXH một lần nhưng cần có phương án trung gian
Cũng tranh luận về vấn đề rút BHXH một lần, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) nêu quan điểm, Nhà nước làm luật thì nên đặt mình vào cương vị của người lao động.
Với tinh thần đó, đại biểu cho rằng, các nội dung cơ bản của Nghị quyết 93 năm 2015 cần được tiếp tục gìn giữ nhưng cần gia cố thêm những chính sách để giữ chân người lao động.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang)
Theo đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất giải pháp: Nên cho phép người lao động rút BHXH một lần nhưng cần có phương án trung gian. Đó là khi người lao động có nhu cầu rút BHXH một lần, trước mắt sẽ được dùng sổ bảo hiểm, xác định được số tiền rút một lần chuyển sang cơ quan Ngân hàng Chính sách thì sẽ được rút số tiền đó từ ngân hàng. Chi phí đó thì người lao động chịu mức lãi suất chính sách dưới 5%/năm. Khi nào người lao động quay trở lại thì sẽ phải đóng bổ sung số lãi đó và tiếp tục được tham gia BHXH.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, giải pháp trung gian cùng với các chính sách khác sẽ hấp dẫn được người lao động bằng các lợi ích chứ không nên giữ chân người lao động tham gia BHXH bằng các hạn chế.
Chia sẻ băn khoăn của các đại biểu về các phương án về BHXH một lần và phản ứng của người dân, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng BHXH là chỗ dựa rất cơ bản của người lao động khi tuổi cao, sức yếu và không thể làm ra của cải vật chất để nuôi mình.
Thực tế hoàn cảnh của mỗi gia đình là khác nhau, không phải ai cũng có chỗ dựa vững chắc và người thân, gia đình khi về già. Vì thế, Nhà nước cần có một giải pháp để đảm bảo và quy định mang tính nguyên tắc, định hướng, thậm chí là quy định bắt buộc để người lao động phải chuẩn bị từ sớm, từ xa khi tuổi già của mình và không để là một gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng cần phải tác động mạnh bằng chính sách, bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, tạo niềm tin vững chắc cho người lao động./.
Theo: Dangcongsan.vn
Tin mới
- Hà Nội ngày nắng, trời se lạnh về sáng và đêm - 28/11/2023 01:38
- Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) - 27/11/2023 08:25
- Đại biểu Quốc hội đề xuất quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh - 24/11/2023 08:49
- Quốc hội thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự - 24/11/2023 08:47
- Quốc hội thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) - 24/11/2023 08:42
Các tin khác
- Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để hoạt động trái pháp luật - 22/11/2023 09:24
- Quốc hội chưa thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - 22/11/2023 09:21
- Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược - 16/11/2023 07:44
- Mưa lũ ở các tỉnh miền trung còn diễn biến phức tạp - 16/11/2023 07:40
- Đề xuất chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại Kỳ họp thứ 6 - 16/11/2023 07:36
Điện thoại hữu ích
- Trưởng Ban Biên tập: Bùi Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện + Số điện thoại: 02183.861.179
- Phó Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Tiệp - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện
|