-
Lượt xem: 24
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội là một trong 4 chuyên đề được trình Quốc hội quyết định giám sát trong năm 2024.
Quang cảnh phiên họp chiều 11/4
Tiếp tục phiên họp thứ 22, chiều 11/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội.
Trình Quốc hội 4 chuyên đề giám sát
Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo, qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã dự kiến, đề xuất 07 chuyên đề để xin ý kiến các đồng chí thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 05 chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 04 chuyên đề, trình Quốc hội lựa chọn 02 chuyên đề (02 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).
Cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 trong 5 nội dung chuyên đề giám sát gồm:
Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023.
Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Với 04 chuyên đề được lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội lựa chọn 02 chuyên đề để giám sát tối cao (02 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).
Phát biểu tại phiên họp, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn các chuyên đề từ 1, 2, 3, 4.
Trên cơ sở 4/5 chuyên đề giám sát do Ủy ban Thường Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các Ủy ban liên quan hoàn thiện tên chuyên đề, phạm vi giám sát của từng chuyên đề, hoàn thiện Báo cáo, Tờ trình dự kiến chương trình kèm theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và đề xuất việc chuẩn bị thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội…
Nâng cao tính phản biện trong hoạt động giám sát
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị sửa đổi, bổ sung trong phần đánh giá chung của Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng đoàn Quốc hội về tăng cường năng lực, hiệu lực của hoạt động giám sát là khâu trọng tâm, then chốt, hoạt động giám sát đạt kết quả tích cực, được Quốc hội, Nhân dân, cử tri ghi nhận.
Báo cáo cũng cần nêu rõ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm xây dựng thể chế và pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát; chuẩn bị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; việc Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội đã chứng minh tính đúng đắn trong thực tiễn.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các báo cáo thẩm tra chất lượng tốt hơn, sắc sảo hơn nhiều và mang tính phản biện. “Vẫn có lạnh, có sôi nhưng không bị quy “3 sôi 2 lạnh”. Khen đích đáng mà chê rất rõ ràng, thuyết phục”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Về một số tồn tại trong công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần gia công thêm, bởi “giám thì phải sát, mà sát thì phải giám”. Đồng thời thẳng thắn chỉ rõ những mặt chưa được như có lúc có nơi thực hiện giám sát còn hạn chế, tính phản biện chưa cao.
Nhấn mạnh giá trị mang lại của hoạt động giám sát thể hiện rõ nhất ở các kiến nghị của giám sát chuyên đề, nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, có lúc còn thiếu sâu sát, thiếu thực tiễn, còn chung chung, mà “nói chung chung là dễ nói nhất, nhưng không đọng lại cái gì”.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý trong công tác phối hợp, điều phối thực hiện giám sát. Việc tổ chức đi nghiên cứu, làm việc với địa phương là tốt, song phải làm sao bớt phiền hà cho địa phương; phải phân biệt rõ vai đại biểu Quốc hội và vai thành viên đoàn giám sát thực hiện theo kế hoạch.
Về hoạt động chất vấn, giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường tổ chức hoạt động này, nhất là những vấn đề mới nổi lên. Công tác chuẩn bị tổ chức cần kỹ lưỡng hơn; đồng thời nghiên cứu sau các phiên giải trình, chất vấn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có ban hành kết luận hay không? Trong báo cáo cũng cần đánh giá thêm công tác phối hợp bên trong với các cơ quan của Quốc hội, vai trò của các cơ quan như kiểm toán, thanh tra…
Về các nội dung đề nghị về giám sát chuyên đề năm 2024, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cơ bản đảm bảo cân đối các lĩnh vực còn vấn đề là khi nào giám sát và giám sát thế nào cho phù hợp.
Trong đó, nhấn mạnh tính thời sự của chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, thị trường bất động sản liên quan đến thị trường tín dụng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vốn, thị trường tài chính. “Hiện nay đang rất vướng mắc trong thực tiễn mà Chính phủ, Thủ tướng và các cấp các ngành đang hết sức nỗ lực, mình cũng phải hỗ trợ vào, chung tay gánh vác” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vì liên quan đến nhiều nội dung như đăng kiểm, đào tạo, sát hạch lái xe…/.
Theo: Dangcongsan.vn
Tin mới
- Bộ Y tế ra công văn khẩn yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch - 13/04/2023 08:09
- Thường trực HĐND huyện giám sát giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại xã Tân Lập - 13/04/2023 03:06
- Thường trực HĐND huyện giám sát thực hiện Quy hoạch và Tiêu chí đô thị hoá tại phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện - 13/04/2023 02:36
- Miền Bắc tiếp tục có sương mù, mưa phùn - 12/04/2023 02:32
- Chú trọng hậu giám sát! - 12/04/2023 02:30
Các tin khác
- Phấn đấu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí vận hành mô hình tòa soạn hội tụ - 11/04/2023 01:57
- Cử tri lo lắng trước các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo - 11/04/2023 01:47
- Cả nước đã có 73,08% xã đạt chuẩn nông thôn mới - 10/04/2023 09:17
- Đại hội Công đoàn Cơ quan chính quyền huyện khoá I, nhiệm kỳ 2023 - 2028 - 10/04/2023 09:12
- Đề xuất tổ chức Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thành 2 đợt - 10/04/2023 09:02
Điện thoại hữu ích
- Trưởng Ban Biên tập: Bùi Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện + Số điện thoại: 02183.861.179
- Phó Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Tiệp - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện
|