-
Lượt xem: 128
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, trước tình hình dịch tại Hà Nội vẫn phức tạp, đơn vị đang nghiên cứu và đề xuất tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội sau ngày 6/9 thêm một tuần nữa.
Khu vực cách ly y tế phường Văn Miếu. (Ảnh: DUY LINH)
Trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay), Hà Nội ghi nhận 3.318 ca Covid-19, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.548 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.770 ca. Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 24/7, tuy nhiên tình hình dịch vẫn chưa được khống chế.
Trong một tuần vừa qua, số ca nhiễm mới tại Hà Nội tiếp tục tăng cao, trung bình phát hiện quanh mốc hơn 80 ca/ngày. Đỉnh điểm là ngày 29/8, thành phố phát hiện thêm 133 ca nhiễm mới, trong đó ổ dịch phức tạp nhất là phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân.
PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội đang diễn biến rất phức tạp với 4 ổ dịch lớn: Văn Chương, Kim Đồng, Thanh Xuân Trung, Linh Đàm.
Trong đó, ổ dịch Thanh Xuân có mức độ phức tạp hơn cả do khu vực này có mật độ dân cao với các khu nhà trọ san sát, chung cư lớn có diện tích nhà nhỏ và đông hộ gia đình. "Nhiều người đã có dấu hiệu ho sốt, chứng tỏ chùm ca bệnh này đã lây lan một thời gian", ông Nga nói.
Ông Nga cho rằng, việc Hà Nội quyết định giãn cách theo chỉ thị số 16 rất đúng thời điểm và phát huy hiệu quả. Nếu Hà Nội không giãn cách khó có thể lường trước được hệ lụy sẽ như thế nào. Trong thời gian giãn cách ngành y tế đã rất nỗ lực thực hiện xét nghiệm để truy tìm F0 trong cộng đồng.
Tuy nhiên, ở một số nơi người dân vẫn chưa tuân thủ đúng theo chỉ thị 16 "ngoài chặt, trong lỏng". Người dân trong khu dân cư vẫn đi lại, tiếp xúc khiến cho chuỗi lây nhiễm không thể dừng lại.
"Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, Hà Nội không thể về trạng thái không có F0. Cho nên nếu nói để không còn F0 thì chắc chắn đến ngày 6/9 là không thể. Bởi dịch bây giờ đã lan âm thầm trong cộng đồng", ông Nga nhận định.
Để đối phó với tình hình dịch, ngoài việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đặc biệt là tiêm sớm cho nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền để giảm được nguy cơ tử vong, giảm gánh nặng y tế, bớt đi những hoang mang trong xã hội.
Bên cạnh đó, ông Nga cho rằng, để khống chế được dịch tại Hà Nội sớm, thành phố cần có những phân tích dịch tễ học (nên có sự tham gia của các chuyên gia dịch tế), đánh giá nguy cơ nào cao dễ bùng phát dịch nhất để có những cảnh báo kịp thời. Cần phải đẩy mạnh truyền thông hơn nữa về tuân thủ nguyên tắc 5K.
"Các nhân viên y tế trong bệnh viện đối mặt với virus có tải lượng lớn bên trong buồng bệnh mà rất ít khi lây vì họ thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Người dân làm được như nhân viên y tế trong bệnh viện thì làm sao mà lây được? Thực tế là nơi nào nhận thức của người dân tốt thì không lây được", ông Nga cho hay.
Đánh giá về tình hình dịch tại Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, số ca mắc tại Hà Nội cao nhưng hiện tại nằm trong khu vực đã được phong tỏa, các trường hợp phát hiện ho sốt ngoài cộng đồng có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt tại các ổ dịch lớn. Hiện ổ dịch nóng nhất là Thanh Xuân Trung cũng đã được kiểm soát nghiêm ngặt.
Về việc Hà Nội có tiếp tục giãn cách xã hội hay không, ông Tuấn cho biết, lãnh đạo thành phố sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở diễn biến tình hình dịch hiện tại và dự báo nguy cơ.
Tuy nhiên, trước tình hình số lượng ca F0 trong cộng đồng vẫn tăng, nguy cơ tại một số ổ dịch còn phức tạp, đặc biệt tình trạng người dân ra đường vẫn nhiều, rất khó để Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sau ngày 6/9.
Vì thế, hiện CDC Hà Nội đang nghiên cứu và đề xuất tiếp tục thực hiện giãn cách nửa chu kỳ sau thời điểm 6/9, kéo dài đến 13/9.
Từ ngày 30/8 đến 4/9, Hà Nội triển khai đợt cao điểm thứ 3 lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng, với khoảng 200.000 mẫu được lấy từ các khu vực tiếp giáp các ổ dịch phức tạp, các khu tập thể cũ đông người, các đối tượng nguy cơ cao...
Trên cơ sở đợt lấy mẫu này, Hà Nội sẽ có căn cứ rõ ràng hơn để đánh giá nguy cơ tại các địa bàn trọng điểm của thành phố./.
Theo: Nhandan.com.vn
Tin mới
- Ngày 5/9: Thêm 13.137 ca mắc COVID-19, riêng TP Hồ Chí Minh 6.226 ca - 05/09/2021 10:41
- Hà Nội thêm 7 ca mắc COVID-19, có 4 ca tại phường Thanh Xuân Trung - 05/09/2021 10:39
- Bắc Giang: Đón hơn 600 công dân từ miền Nam về bằng máy bay - 05/09/2021 10:34
- Sáng 5/9: Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc COVID-19 - 05/09/2021 10:29
- Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương lập kế hoạch tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 - 01/09/2021 09:31
Các tin khác
- Trưa 1/9, Hà Nội thêm 20 ca mắc COVID-19 mới, có 1 ca cộng đồng - 01/09/2021 09:24
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9 - 01/09/2021 09:19
- Sáng 1/9, Hà Nội thêm 30 ca mắc COVID-19 - 01/09/2021 09:17
- Châu Á vẫn là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới - 01/09/2021 09:02
- Thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, có hiệu quả phòng, chống COVID-19 kỳ nghỉ lễ 2/9 - 31/08/2021 15:54
Điện thoại hữu ích
- Trưởng Ban Biên tập: Bùi Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện + Số điện thoại: 02183.861.179
- Phó Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Tiệp - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện
|