-
Lượt xem: 180
Ngày 4/8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước tạm ngừng tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho những người đã tiêm đủ hai liều. Việc tạm ngừng tiêm liều vaccine thứ 3 sẽ được thực hiện ít nhất đến cuối tháng 9 tới để đảm bảo nguồn cung vaccine cho những nước nghèo hơn, tiến tới mục tiêu tiêm chủng cho tối thiểu 10% dân số của mỗi nước trên thế giới.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: WHO)
“Tôi hiểu sự lo lắng của các chính phủ khi họ muốn bảo vệ người dân khỏi biến thể Delta. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận việc các quốc gia vốn đã sử dụng phần lớn nguồn cung vaccine toàn cầu lại tiếp tục dùng nhiều hơn, trong khi những người dễ bị tổn thương lại chưa được bảo vệ… Chúng ta cần đảo ngược khẩn cấp thực tế đang diễn ra, đó chuyển phần lớn vaccine đáng lẽ được bàn giao cho các nước thu nhập cao sang cho các nước có thu nhập thấp” – người đứng đầu WHO nói.
Lời kêu gọi trên được ông Ghebreyesus đưa ra trong bối cảnh khoảng cách tiếp cận vaccine giữa các nước giàu và các nước nghèo đang ngày càng bị nới rộng. Điểm đến của 80% lượng vaccine trên thế giới là các nước thu nhập cao và trên trung bình, trong khi các nước này lại chỉ chiếm chưa đầy 1 nửa dân số thế giới. Đáng quan ngại là thực tế này lại đang diễn ra vào thời điểm thế giới đang đối mặt với một kẻ thù nguy hiểm chung là biến thể Delta với khả năng lây lan nhanh chóng.
Theo số liệu thống kê của WHO, trong tháng 5/2021, các nước thu nhập cao đã thực hiện trung bình khoảng 50 mũi tiêm cho mỗi 100 người dân và con số trên giờ đã tăng gấp đôi. Trong khi tại các nước thu nhập thấp, con số ghi nhận được chỉ là 1,5 mũi tiêm trên mỗi 100 dân do thiếu nguồn cung vaccine. Để chặn đứng sự lây lan của biến thể Delta, nhiều nước đã bắt đầu hoặc cân nhắc đến phương án tiêm liều vaccine tăng cường cho người dân, ngay cả khi đây vẫn còn là điều gây tranh cãi.
Giới khoa học nói gì về việc tiêm liều tăng cường COVID-19?
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. (Ảnh: Getty Images)
Ông Elin Hoffmann Dahl, Cố vấn y tế về các bệnh truyền nhiễm của Chiến dịch tiếp cận thuộc Tổ chức bác sỹ không biên giới cho rằng: “Việc chúng ta tiêm liều tăng cường vaccine COVID-19 cho những người trưởng thành khỏe mạnh là một cách nghĩ thiển cận… Trước sự xuất hiện của các biến thể mới, nếu như chúng ta để xảy ra tình trạng phần lớn dân số thế giới không được tiêm chủng, thì chắc chắn chúng ta sẽ phải cần đến các loại vaccine mới trong tương lai”.
Trong khi đó, Giám đốc phụ trách vấn đề miễn dịch, vaccine và sinh học của WHO - bà Katherine O'Brien cũng cho rằng, chúng ta cần tập trung vào những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, những người có nguy cơ mắc bệnh và tử vong vì căn bệnh này, để họ có thể có được liều vaccine đầu tiên và thứ hai.
Trước đó, các chuyên gia hàng đầu của WHO cũng đã khẳng định chưa có cơ sở khoa học nào cho thấy tính cần thiết của việc tiêm vaccine liều tăng cường để ngừa COVID-19. Theo WHO, các loại vaccine trong danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) của cơ quan này đều có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus nếu đã được tiêm đầy đủ. Do đó, WHO khuyến nghị các quốc gia giàu có không nên đặt mua thêm vaccine COVID-19 để tiêm tăng cường cho những người dân vốn đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi nhiều nước khác vẫn chưa nhận được vaccine.
Vào tháng 7/2021, Mỹ đã ký thỏa thuận với hãng dược phẩm Pfizer Inc và đối tác BioNTech của Đức để đặt mua thêm 200 triệu liều vaccine COVID-19 để tiêm phòng cho trẻ em và tính đến phương án có thể thực hiện các mũi tiêm tăng cường cho những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine.
Tuy nhiên, hiện các chuyên gia y tế Mỹ vẫn đang trong quá trình đánh giá về tính cần thiết của việc thực hiện mũi tiêm vaccine COVID-19 thứ 3 cho người dân. Tiến sĩ Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Sinh học tại Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cho biết “FDA không khuyến khích mọi người tự hành động liên quan tới việc tiêm liều tăng cường vaccine COVID-19”.
Ngày 4/8, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne đã hoan nghênh khuyến nghị của WHO về việc tạm hoãn tiêm liều vaccine COVID-19 tăng cường cho người dân. Bà Etienne cho rằng, nếu các nước phát triển hơn sử dụng vaccine dư thừa của họ để tăng cường khả năng bảo vệ cho những người đã được tiêm chủng, thay vì hiến tặng vaccine, thì điều này sẽ không chỉ tạo ra một “tình huống rất phức tạp” cho cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu, mà còn về vấn đề đạo đức./.
Theo: Dangcongsan.vn
Tin mới
- Hàng nghìn người tháo chạy khỏi Afghanistan, sân bay Kabul hỗn loạn - 16/08/2021 08:30
- Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới sắp chạm ngưỡng 208 triệu - 16/08/2021 02:42
- Các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lan rộng trên thế giới - 13/08/2021 03:09
- Thế giới có thêm 9.200 người tử vong vì COVID-19, Indonesia chiếm 2.048 ca - 11/08/2021 02:19
- Thế giới có thêm hơn 491 nghìn ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ qua - 10/08/2021 07:49
Các tin khác
- Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á lần thứ 11 - 04/08/2021 17:07
- ASEAN ở vị trí trung tâm trong triển khai chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ - 04/08/2021 17:05
- Hơn 200 triệu người nhiễm COVID-19 trên thế giới - 04/08/2021 16:48
- Thế giới có hơn 199 triệu ca mắc COVID-19 - 03/08/2021 01:39
- Singapore tìm ra hỗn hợp thuốc tiềm năng chống lại biến thể Delta - 03/08/2021 01:29
Điện thoại hữu ích
- Trưởng Ban Biên tập: Bùi Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện + Số điện thoại: 02183.861.179
- Phó Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Tiệp - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện
|