-
Lượt xem: 55
Ngày 23/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi giữ vững cam kết bảo vệ dân thường trong các khu vực xung đột. Những nỗ lực này đang trở nên cần thiết trong bối cảnh tình hình nhân đạo và số dân thường chịu ảnh hưởng từ các cuộc xung đột đang gia tăng trên khắp thế giới.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres. Ảnh: UN Mission
Đã đến lúc thực hiện lời hứa bảo vệ dân thường…
Phát biểu tại cuộc tranh luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, ông Guterres nói: "Dân thường đã phải chịu những hậu quả chết người của xung đột vũ trang quá lâu. Đã đến lúc chúng ta thực hiện lời hứa bảo vệ họ".
Quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc cho rằng thế giới đang không thực hiện đúng cam kết bảo vệ thường dân trong thời chiến, đồng thời kêu gọi tôn trọng luật nhân đạo quốc tế.
Theo số liệu thống kê của ông Guterres, trong năm 2022, có đến 94% nạn nhân trong các vụ nổ vũ khí được triển khai ở các khu vực đông dân cư là dân thường. Trong khi đó, hơn 117 triệu người trên toàn thế giới cũng phải đối mặt với nạn đói cấp tính vào năm 2022, chủ yếu là do chiến tranh và tình trạng mất an ninh – vốn được ông Guterres mô tả là một “tình cảnh gây phẫn nộ”.
Tuy nhiên, ông Guterres cũng ghi nhận “những nỗ lực gần đây nhằm giảm bớt tác động của xung đột đối với dân thường”. Điển hình là việc một số bên tham chiến đã thực hiện các bước để bảo vệ trẻ em và cho phép các tổ chức nhân đạo tiếp cận những người có nhu cầu.
Bên cạnh đó, ông Guterres cũng chỉ ra những biện pháp như Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen thúc đẩy xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine trong bối cảnh chiến sự, cùng biên bản ghi nhớ về việc đưa thực phẩm và phân bón của Nga ra thị trường toàn cầu đã góp phần quan trọng trong nỗ lực giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.
Tháng 11/2022, các nước đã thông qua một tuyên bố chính trị về việc hạn chế hoặc kiềm chế việc sử dụng vũ khí nổ ở các khu vực đông dân cư. Tiếp đến, vào tháng 12/2022, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết nhằm ngăn chặn các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc gây tổn hại cho dân thường và cản trở các hoạt động nhân đạo.
"Những bước đi khiêm tốn này cần được hoan nghênh. Tuy nhiên, có một sự thật khủng khiếp là thế giới đang không tuân thủ các cam kết bảo vệ dân thường; các cam kết được ghi trong luật nhân đạo quốc tế… Chúng ta cần hành động và trách nhiệm giải trình để đảm bảo những điều này được tôn trọng. Việc này phụ thuộc vào ý chí chính trị" - ông Guterres nói thêm.
…thông qua các nỗ lực ngăn chặn xung đột và chấm dứt chiến tranh
Cô bé Medina, 16 tuổi, tham gia lớp học tại một trung tâm do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em thành lập ở Dalori, Maiduguri, Đông Bắc Nigeria. (Ảnh: UNOCHA/Damilola Onafuwa)
Từ những lập luận nêu trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực ngăn chặn xung đột, bảo vệ thường dân, gìn giữ hòa bình và tìm giải pháp chính trị cho chiến tranh.
"Khi chiến tranh tiếp diễn, tất cả các quốc gia phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế trong khi các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có trách nhiệm đặc biệt…” – ông Guterres nói, đồng thời kêu gọi các quốc gia xuất khẩu vũ khí nên từ chối làm ăn với bất kỳ bên nào không tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.
Ông Guterres kêu gọi chính phủ các nước đưa luật nhân đạo quốc tế vào luật riêng của họ, đồng thời lưu ý thêm rằng những người hoạt động nhân đạo phải được đảm bảo tiếp cận an toàn và các cuộc tấn công chống lại họ phải chấm dứt.
Bên cạnh đó, ông Guterres cũng nhấn mạnh vai trò của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc thúc giục các quốc gia tôn trọng các quy tắc chiến tranh. Theo đó, chính phủ các nước có tầm ảnh hưởng đối với các bên tham chiến nên tham gia vào tiến trình đối thoại chính trị và huấn luyện lực lượng để bảo vệ thường dân tốt hơn.
Tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) Mirjana Spoljaric cũng lưu ý rằng các cuộc xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế đã tăng hơn gấp ba lần trong hai thập kỷ qua - từ chưa đầy 30 lên hơn 90 cuộc.
Qua đó, bà Spoljaric đã đưa ra một lời kêu gọi khẩn cấp để bảo vệ dân thường cùng các cơ sở hạ tầng quan trọng ở các khu vực đô thị.
“Khi giao tranh bao trùm các thị trấn và thành phố, chẳng hạn như ở Sudan, Syria, Ukraine và Yemen, ICRC đang nhận thấy các vụ việc phức tạp và gây thiệt hại ở quy mô lớn. Chúng ta cần phải phá vỡ các hành vi vi phạm, và điều này có thể được thực hiện thông qua ý chí chính trị mạnh mẽ cùng hành động bền vững” - bà Spoljaric nói.
Bà Spoljaric cho biết, các mối đe dọa do thông tin sai lệch có nguy cơ gây chia rẽ cộng đồng và làm suy yếu hoạt động nhân đạo. Bên cạnh đó, Chủ tịch ICRC cũng nhấn mạnh tới nỗ lực bảo vệ dân sự bao trùm tất cả mọi người hay bất kể giới tính nào./.
Theo: Dangcongsan.vn
Tin mới
- Kinh tế Mỹ le lói hy vọng thoát khỏi nguy cơ suy thoái - 14/06/2023 02:29
- Hơn 100 người thiệt mạng trong vụ đắm thuyền trên sông ở Nigeria - 14/06/2023 02:25
- Thái Lan: Kết quả kiểm phiếu lại 47 điểm bỏ phiếu - 12/06/2023 09:31
- Thế giới tuần qua: Vỡ đập thủy điện ở miền Nam Ukraine - 11/06/2023 16:35
- Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ trì hoãn bầu cử ở Nam Sudan - 25/05/2023 15:17
Các tin khác
- Iraq nối lại xuất khẩu dầu qua Thổ Nhĩ Kỳ - 12/05/2023 09:44
- WHO tuyên bố đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu - 12/05/2023 09:37
- Sập cầu đi bộ ở Phần Lan, ít nhất 27 người bị thương - 11/05/2023 16:39
- Mỹ sắp chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 - 09/05/2023 09:16
- Sudan: Bất ổn tiếp diễn, khủng hoảng nhân đạo leo thang - 09/05/2023 09:12
Điện thoại hữu ích
- Trưởng Ban Biên tập: Bùi Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện + Số điện thoại: 02183.861.179
- Phó Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Tiệp - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện
|