-
Được đăng: 12 Tháng 9 2019
-
Lượt xem: 1712
Tiếp theo là lịch 10 tháng (lịch cơm mới)mà trong sử thi Đẻ đất đẻ nước nói, thời xa xưa ấy con người chưa biết phân biệt đêm ngày, chỉ nghe tiếng ve kêu để biết tối sáng mà thôi, bởi vậy họ phải đặt năm, đặt tháng và ngày:
Một năm là bảy tháng ấm
Một năm là mười tháng
Một tháng là hai mươi ngày
Lúc này họ chỉ đặt lịch theo thời gian mùa vụ, làm ăn theo mười tháng, một tháng 20 ngày, để đoán biết thời tiết mà ta gọi là lịch Cơm mới. Đặc biệt người xưa đoán định thời tiết, mùa vụ bằng việc quan sát đêm 30 tết (tháng Chạp). Nếu năm đó sáng trên, năm đó được mùa bông; lúa, sáng mặt đất năm đó được mùa khoai, sắn, sáng lưng chừng được mùa ngô. Còn trời tối đen như mực cả trên, giữa, dưới thì năm đó mất mùa. Ngược lại trời sáng cả năm đó được mùa. Họ cũng theo dõi đêm đó các con vật trong nhà, con gì thức trước để biết tốt xấu. Nếu chó sủa, năm đó lắm trộm cắp ở cả đồng lẫn ở nhà; con mèo đêm đó kêu nghêu ngao thì năm đó nhiều thú dữ; trâu bò dậy trước thì năm đó được mùa, làm ăn tấn tới; lợn thức trước thì năm đó ghẻ lở. Họ ăn tết theo lịch 10 tháng một năm mà ngày nay ta còn thấy lễ ăn mừng cơm mới là dấu ấn.
Về Lịch Khao Roi: Sao này chỉ xuất hiện mỗi tháng một ngày. Đó là 4 ngôi sao nhỏ chéo hình thoi cùng vận động chung tốc độ theo chiều Đông-Tây mà hình thành. Khác với mặt trăng, khao Roi vận động một năm là một chu kỳ. Người Mường tính từ tháng 2 âm lịch trở lại tháng Giêng, tháng Chạp… cho tới tháng Ba hàng năm. Khao Roi xuất hiện vào các ngày lẻ, mỗi tháng cách nhau hai ngày, gọi là Roi vào, các ngày Roi không vào (không xuất hiện) gọi là Roi ra. Đối với 3 ngày lẻ của tháng 2 âm lịch gọi là ngậm Roi, gồm các ngày: Một, Ba và Năm, Roi vào ngày Bảy tháng ấy. Những ngày Sao Roi vào thường là các ngày mưa, dù không nặng hạt cũng mưa nhỏ. Nếu là mùa hạn, nóng nóng thì ít ra trời cũng âm u, nhiều mây che phủ, dân gian gọi là “Ngày Khao Roi thướm tlời ” (ngày trời ốm). Lịch Sao Roi không chỉ để biết thời tiết trong việc làm mùa mà còn được dùng để tính ngày tốt, xấu nên làm, nên tránh. Sau này để khớp lịch Đá rò với lịch Sao roi, người Mường quy ước dựa trên sự dịch chuyển của sao Roi. Lịch Sao roi dùng 12 thẻ tre tương ứng với 12 tháng âm lịch. Trên mỗi thanh tre ấy có ghi tháng đủ, tháng thiếu, ngày Roi vào, ngày Roi ra từ đó để tránh ngày mưa, ngày gió, ngày tốt, ngày xấu. Người Mường quy ước tháng Thớm ngàng tương ứng với tháng Giêng; tháng Cây trong tương ứng với tháng 2 và tháng 3; tháng Thớm trong tương ứng với tháng tư, tháng Kim trong tương ứng với tháng 5 và tháng 6; tháng Khóa rỏ tương ứng với tháng 7; tháng Kim tha tương ứng với tháng 8 và tháng 9; tháng Thớm tha tương ứng với tháng 10 và cuối cùng là tháng Cây tha tương ứng với tháng 11 và tháng 12. Một tháng trong lịch của người Mường được chia làm 3 tuần: 10 ngày đầu tháng gọi là ngày Cây; 10 ngày giữa tháng gọi là ngày Lồng và 10 ngày cuối tháng gọi là ngày Cối. Lịch của người Mường có 12 tên gọi cho từng giờ cụ thể: giờ Ca cáy (tương ứng gà gáy trong tiếng Việt phổ thông) khoảng từ 24 giờ đến 2 giờ sáng; Hiêng láng (gần sáng) từ 2 giờ đến 4 giờ sáng; Tlơi tha (trời ra) từ 4 giờ đến 6 giờ sáng; Tlưa đét (buổi trưa bé) từ 6 giờ đến 8 giờ sáng; Tlưa đét (buổi trưa lớn) từ 8 giờ đến 10 giờ; Nửa ngày từ 10 giờ đến 12 giờ; Khuông tường (ngả chiều) từ 12 giờ đến 14 giờ chiều; Khuông pắn (chiều ngắn) từ 14 giờ đến 16 giờ; Tlơi lặn (mặt trời lặn) từ 16 giờ đến 18 giờ; Hoàng mắt (vàng mắt) từ 18 giờ đến 20 giờ; Dặt dạu (mệt mỏi) từ 20 giờ đến 22 giờ; Cạu nằm (ngủ say) từ 22 giờ đến 24 giờ
Lịch Dol truyền thống của người Mường còn lưu dấu vết rõ ràng vào âm lịch Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà trong tục ngữ của người Mường có câu: Ngày lui tháng tới để chỉ sự chênh lệch này trong cách tính thời gian. Một chạp, Giêng hai được hiểu tháng Một theo Âm lịch là tháng 11 của người Mường; tháng Giêng trong Âm lịch là tháng 12. Năm mới của người Mường bắt đầu từ tháng 11 là thời điểm kết thúc vụ Mùa, được gọi là Tết lúa mới.
Lịch đoi có ý nghĩa rất quan trọng đối với văn hóa Việt, thể hiện tài chiêm tinh của người Việt cổ thông qua việc quan sát trăng sao để dự báo thời tiết. Và đến nay người Mường vẫn tin tưởng vào những chỉ dẫn của lịch đoi mà họ coi đó là bảo bối của dân tộc Mường.Trong các vùng đất có người dân tộc Mường sinh sống, bộ lịch Mường vẫn được sử dụng như một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, chỉ còn một số ít người trong cộng đồng còn thông thạo cách tính lịch này, chủ yếu họ là các thầy Mo, thầy Trượng. Hiện vẫn chưa có một công trình khoa học nào được công bố để lưu giữ và truyền bá vốn tri thức này. Bộ lịch thẻ tre của người Mường có thể sẽ còn được lưu giữ ở đâu đó trong các bảo tàng hay bộ sưu tập tư nhân nhưng cách tính lịch của người Mường thì đang đứng trước nguy cơ thất truyền, rơi vào quên lãng.
Theo: Tư liệu Hòa Bình
Tin mới
- Phục dựng Lễ hội Đình Khói, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn năm 2020 - 03/02/2020 04:19
- Tục cưới xin truyền thống của người Mường và xu thế thời đại - 12/09/2019 07:37
- Nhà sàn-Người Mường - 12/09/2019 07:33
- Rượu Cần - nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Mường - 12/09/2019 07:30
- Một vài nét về trang phục Mường - 12/09/2019 07:23
Các tin khác
Điện thoại hữu ích
- Trưởng Ban Biên tập: Bùi Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện + Số điện thoại: 02183.861.179
- Phó Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Tiệp - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện
|